Tin mới

Kinh tế tuần hoàn và tài nguyên chất thải (Phần 2)

15:41, 14/11/2023

Kinh tế tuần hoàn hiểu theo cách đơn giản có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Trên thế giới, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu nhằm hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn, với nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ,  góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Năng suất được nâng cao trong nền kinh tế tuần hoàn

Với nền kinh tế tuần hoàn, giá trị của tài nguyên được bảo toàn. Nguyên liệu cần thiết để tạo ra sản phẩm mới được duy trì và phần lớn được tạo ra từ các nguồn tài nguyên chất thải hiện có. Nói cách khác, việc sử dụng tài nguyên tuần hoàn giúp tăng năng suất sử dụng tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn tác động trực tiếp tới năng suất, giá trị gia tăng và giảm chi phí, thay thế các đầu vào trung gian, từ nguyên liệu thô đến năng lượng xanh.

Đóng góp lớn nhất của nền kinh tế tuần hoàn trong việc tăng năng suất là thiết kế lại các quy trình công nghiệp, ngay từ giai đoạn đầu; chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang các mô hình kinh doanh tuần hoàn. Một trong những tác động quan trọng nhất của nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành công nghiệp là phi vật chất hóa công nghiệp (tức là các sản phẩm công nghiệp có thể được bán dưới dạng dịch vụ). Ví dụ, thiết kế sản phẩm không có rác thải theo yêu cầu trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, buộc thu hồi rác thải sau thời hạn sử dụng dưới dạng dịch vụ thuê.

Các doanh nghiệp công nghiệp có thể tạo ra các nguồn thu nhập mới thông qua các hoạt động mới, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, thu hồi và tái sử dụng các dòng chất thải trong các quy trình công nghiệp của chính họ. Ví dụ, các nhà máy dệt may có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời áp mái, và tạo ra năng lượng trong quá trình đồng xử lý chất thải dệt may với các ngành công nghiệp khác như sắt thép, xi măng. Thúc đẩy chương trình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thúc đẩy các lĩnh vực liên quan như: quản lý chất thải, sửa chữa, bảo trì, tái sản xuất và tái chế,… Điều này sẽ mang lại cơ hội cho các quốc gia, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp thông qua việc tạo ra nhiều sản phẩm đầu ra hơn, trên cùng một đơn vị đầu vào được sử dụng tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Ứng dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thiết kế, chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, nhằm thực hiện cộng sinh công nghiệp dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong các khu công nghiệp sinh thái, chuyển đối xanh, chuyển đối số đóng vai trò là động lực tăng trưởng và phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Các mô hình kinh doanh của nền kinh tế tuần hoàn, thường dựa vào chuỗi cung ứng đảo ngược; hậu cần đảo ngược để khép kín các vòng lặp vật liệu. Chẳng hạn như tái chế chất thải và phế liệu thành nguyên liệu thô thứ cấp, đồng thời kéo dài tuổi thọ sản phẩm bằng cách thúc đẩy tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái sản xuất trực tiếp. Các hoạt động như vậy có thể mở rộng ra ngoài biên giới, và đòi hỏi sự di chuyển xuyên biên giới, mang đến hiệu quả của sản phẩm trên quy mô rộng lớn hơn.

Chuyển đổi số, giúp nâng cao giá trị sản lượng đầu ra nhanh hơn tốc độ tăng các nhân tố sản xuất đầu vào; nâng cao chất lượng tăng trưởng toàn diện, bền vững và gia tăng phúc lợi xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, BVMT, đa dạng sinh học, khôi phục hệ sinh thái, số hóa có thể góp phần tách biệt quá trình tăng trưởng kinh tế khỏi việc sử dụng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các tác động tiêu cực tới môi trường.

Ứng dụng chuyển đổi số, giảm chi phí giao dịch, truy xuất nguồn gốc, thành phần của các sản phẩm hàng hóa, vật liệu, dòng thải nhựa, kim loại, dầu nhớt, cao su, thủy tinh, gỗ, giấy và sinh khối khác; chất lượng của vật liệu thứ cấp, khả năng tái sử dụng và tái chế của hàng hóa, vật liệu trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi số giúp phân tích vật liệu, để dễ dàng lặp lại quá trình sản xuất; theo dõi thành phần và sản phẩm để bảo trì và sửa chữa; tái sản xuất dựa trên điều kiện và sản xuất phi tập trung; tái sử dụng và tái chế; theo dõi dòng thải, chất thải để thu gom và tái chế tốt hơn. Bên cạnh việc đóng một vai trò quan trọng trong các mô hình kinh doanh tuần hoàn, chuyển đổi số, đổi mới kỹ thuật số và tiếp thu các giải pháp kỹ thuật số giúp cải thiện việc hoạch định chính sách kinh tế tuần hoàn.

Trong lĩnh vực BVMT, chuyển đổi số hỗ trợ, tăng cường khả năng giám sát kết quả thông qua dữ liệu và thông tin sẵn có cho phép nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp thông qua thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật, ứng phó biến đổi khí hậu theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hệ thống phân loại và thu gom rác thải thông minh, được hỗ trợ bởi IoT (Internet vạn vật) và cảm biến, giúp tăng hiệu quả và cải thiện chất lượng dịch vụ phân loại, thu gom rác thải. Chuyển đổi số giúp truy cập vào khối lượng lớn dữ liệu trực tuyến và nguồn lực cộng đồng được thu thập thông qua số hóa; cho phép các nhà hoạch định chính sách Môi trường xác định các lĩnh vực ưu tiên, và đưa ra các quyết định chính sách dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi số hỗ trợ thiết kế chính sách và định hướng lại chính sách kịp thời và hiệu quả.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc