Tin tức - Sự kiện

Cùng hành động bảo vệ, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

14:30, 12/12/2021

Đất ngập nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với diện tích khoảng 12 triệu ha, phân bổ trên tất cả các vùng sinh thái, vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, “cái nôi” sinh tồn của hàng nghìn loài sinh vật và là nguồn sống của hàng triệu người dân. Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với cả quốc gia và thế giới. Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nước ngoài.

 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Thông tư số 07/2020/TTBTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; quy hoạch thành lập mới 47 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030, đề cử công nhận được 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).

Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 ban hành theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể đến năm 2030: (1) Tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar; (2) Cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; (3) tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; (4) Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; (5) Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; (6) Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; (7) Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.

Do vậy, để thực hiện việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực của cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Chính vì những lý do đó, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường thực hiện nhiệm vụ “Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên môi trường tại các vùng đất ngập nước của Việt Nam”. Nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định số 827/QĐ-BTNMT ngày 29/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhiệm vụ được triển khai trong thời gian 03 năm (từ năm 2021-2023), tại các vùng đất ngập nước trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung triển khai tại 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).

Nhiệm vụ tập trung triển khai các nội dung:

(1) Nội dung 1: Đánh giá tổng quan về nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

(2) Nội dung 2: Xây dựng các sản phẩm, các tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

(3) Nội dung 3: Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bao gồm các hoạt động: Tổ chức Hội thảo về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước gắn liền với phát triển sinh kế bền vững; Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Xây dựng các chương trình truyền thông về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên các phương tiện thông tin đại chúng (Kênh Truyền hình Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo, tạp chí); Tổ chức cuộc thi ảnh tuyên truyền về bảo tồn và sử dụng bền vững tại các vùng đất ngập nước; Xây dựng mô hình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững, mô hình sinh kế bền vững về môi trường tại các vùng đất ngập nước.

(4) Nội dung 4: Đề xuất các giải pháp, định hướng tuyên truyền về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước cho giai đoạn tiếp theo.

Nhiệm vụ được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam, hỗ trợ thành công 09 huyện tại 09 khu Ramsar của Việt Nam xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước Ramsar trong giai đoạn 2022 - 2025 và huy động thành công cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim ký cam kết về bảo tồn và sử dụng bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim, góp phần thực hiện thành công Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019  của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Ý kiến bạn đọc