Lĩnh vực chuyên ngành

Nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho các địa phương khu vực Đông Nam Bộ

15:58, 14/06/2024

Nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong các hoạt động phân loại rác tại nguồn và triển khai các hoạt động truyền thông nhằm quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả cho các sở ban ngành địa phương khu vực Đông Nam Bộ. Tại thành phố Biên Hòa, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Nai đã phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các địa phương khu vực Đông Nam bộ.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường; Bà Phí Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai; Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT); Sở Tài nguyên và Môi trường, Các tổ chức chính trị - xã hội thuộc 5 địa phương khu vực Đông Nam Bộ; Các cơ quan thông tấn, báo chí và trên 150 đại biểu tham gia hội nghị.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, cho biết năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội LHPN Việt Nam ký kết phối hợp thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, giai đoạn 2024-2027. Trong đó xác định phân loại, xử lý chất thải rắn tại nguồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo.
Xuất phát từ đó, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội LHPN tỉnh Đồng Nai tổ chức tập huấn tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các địa phương khu vực Đông Nam bộ.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phát biểu tại Hội nghị

Từ ngày 01/01/2025, toàn quốc bắt buộc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây là quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện gia tăng ô nhiễm và quá tải đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và tránh lãng phí nguồn tài nguyên từ rác. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ trong tất cả các khâu này còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, thời gian qua các địa phương đã tích cực triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đạt được những kết quả đang khích lệ. Một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phân loại rác tại nguồn ở các địa phương là lực lượng phụ nữ.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phí Thị Thu Hà, cho biết phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu xuyên suốt mà Đồng Nai nỗ lực thực hiện thời gian qua. Cùng với việc triển khai cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều mô hình chống rác thải nhựa, phân loại chất thải rắn tại nguồn hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về môi trường đến hội viên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân.

Bà Phí Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày các chuyên đề liên quan đến các kỹ năng truyền thông bảo vệ môi trường, tập trung vào công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt; các đại biểu cũng tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, cũng như tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cùng nhau đưa ra những giải pháp hoàn thiện cũng như định hướng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, truyền thông môi trường trong giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị đã góp phần nâng cao kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ về truyền thông môi trường cho các cán bộ chuyên trách ở địa phương cũng như tăng cường mạng lưới truyền thông của khu vực Đông Nam Bộ.

Bà Lê Thị Minh Ánh, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, Các đại biểu đã được tham quan, học tập mô hình tái chế chất thải rắn tại nhà máy tái chế của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2; mô hình phân loại chất thải sinh hoạt có khả năng tái chế; khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; mô hình ngôi nhà xanh về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Đoàn tham quan mô hình tái chế chất thải rắn tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2
 
 
Đoàn tham quan, học tập mô hình phân loại chất thải sinh hoạt có khả năng tái chế; khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc