Tin mới

Gặp mặt 78 năm Ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam và ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa, lũ

08:28, 04/10/2023

Chiều 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục KTTV, Bộ TN&MT tổ chức buổi gặp mặt 78 năm Ngày truyền thống ngành KTTV Việt Nam và ra mắt Hệ thống cảnh báo sớm dông sét, mưa, lũ. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt.

Về dự có Lãnh đạo Bộ TN&MT, Lãnh đạo ngành KTTV qua các thời kỳ; các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.

Dự buổi gặp mặt còn có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn; đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Bộ Tham mưu Cảnh sát biển Việt Nam; Trường Đại học Thuỷ Lợi; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai; Cục Thủy lợi; các chuyên gia và các tổ chức quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực KTTV; đại diện cơ quan chính quyền địa phương tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt

Ngành KTTV từng bước hoàn thiện, có nhiều cống hiến và đóng góp to lớn

Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết: Hoạt động KTTV đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1891, tuy nhiên, lịch sử của ngành KTTV Việt Nam cách mạng được xác định bắt đầu từ ngày 3/10/1945 với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự sát nhập cơ quan KTTV thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển song hành cùng sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ TN&MT, Ngành KTTV Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hơn nữa, có những cống hiến, đóng góp to lớn vào truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước và dân tộc Việt Nam, ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tin tưởng của quần chúng nhân dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi gặp mặt

Ngày 24/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục KTTV trong bối cảnh toàn thể các tổ chức đang thực hiện, sắp xếp tinh gọn bộ máy; đây chính là sự ghi nhận nỗ lực và khẳng định tính chất quan trọng của công tác KTTV cũng như sự đóng góp của Ngành trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu Ngành phải cố gắng hơn nữa góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Theo GS.TS. Trần Hồng Thái, thực tiễn cho thấy, hoạt động KTTV đóng vai trò quan trọng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ an ninh, an toàn, tính mạng, tài sản của nhân loại, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, nếu các nước có thu nhập thấp và trung bình có hệ thống KTTV hiện đại như các quốc gia Châu Âu, thì thiệt hại hằng năm do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra có thể giảm tới 23.000 người cùng với hàng tỷ đô la Mỹ do việc tiếp nhận và sử dụng thông tin KTTV kịp thời phục vụ hiệu quả công tác điều hành, phòng, chống thiên tai.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

Cùng với sự phát triển khoa học, công nghệ trên thế giới, trong 20 năm qua, ngành KTTV đã áp dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào phục vụ nghiệp vụ như áp dụng công nghệ quan trắc từ xa qua camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ hoạt động giám sát, dự báo, thông tin trên diện rộng nhằm nâng cao năng lực, nâng cao độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo góp phần quan trọng vào công cuộc phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho rằng trong thời gian tới, ngành KTTV cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo; ra sức cống hiến trí tuệ, sức lực, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó với khẩu hiệu hành động: “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy – Kịp thời”.

Đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc tế và ngành KTTV Việt Nam

Tại buổi gặp mặt, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu, ngành KTTV có vai trò quan trọng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam: Dự báo chính xác và truyền thông kịp thời về các hiện tượng cực đoan như bão, lũ giúp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các cơ quan chức năng và người dân chuẩn bị, giảm thiểu rủi ro hoặc sơ tán khẩn cấp khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo vệ tính mạng và tài sản.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục KTTV và Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam

Ngành KTTV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội: cảnh báo sớm về tình trạng thiếu nước ở các hồ chứa, đập thủy lợi do thiếu lượng mưa góp phần sản xuất điện và điều tiết nước hồ chứa. Ngoài ra, cảnh báo kịp thời về hạn hán và xâm nhập mặn cực đoan trong năm El Nino, tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch sản xuất và nông nghiệp; hay những cảnh báo về các đợt nắng nóng ở đô thị bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn.

Để tăng cường hợp tác giữa UNDP và ngành KTTV Việt Nam, bà Ramla Khalidi đề xuất xây dựng và triển khai khuôn khổ quốc gia về dịch vụ khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng ngành. Theo bà, dịch vụ cảnh báo sớm và thông tin chính xác có thể hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau tránh thiệt hại và mất mát, đồng thời đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Về vấn đề này, UNDP và Tổng cục KTTV đã cùng nhau đưa ra một đề xuất và đang chờ Bộ TN&MT phê duyệt.

Ngoài ra, cần đầu tư cho chuyển đổi năng lượng xanh. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi có những lợi thế cần được đánh giá, triển khai và tăng cường trong cơ cấu năng lượng. Bà Ramla Khalidi nhấn mạnh: “UNDP tự hào được hợp tác chặt chẽ với Tổng cục KTTV để xây dựng các dự án và đánh giá tiềm năng đẩy nhanh việc triển khai điện gió ngoài khơi tại Việt Nam”.

Tổng cục KTTV ra mắt “Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm dông sét, mưa, lũ”

Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhận định, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Với yêu cầu về phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của đất nước và nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; với truyền thống tốt đẹp trong 78 năm qua, ngành KTTV Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ, trọng trách nặng nề cần gánh vác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng mong rằng, trong thời gian tới Đảng ủy, Lãnh đạo và toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tận tụy của người cán bộ KTTV, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành KTTV trong giai đoạn mới, thời kỳ chuyển đổi số của đất nước; tiếp nối bề dày lịch sử mà các thế hệ trước đã xây dựng để đóng góp những thành tựu to lớn hơn nữa cho Ngành, đạt được các mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành KTTV nói riêng và Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường nói chung đã đề ra.

Cũng trong dịp này, Tổng cục KTTV và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức ký kết hợp tác với các nội dung trọng tâm về: Tăng cường trao đổi, phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai thi hành pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn; Phối hợp nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết ở khu vực khai thác, quản lý bay; Thiết lập cơ chế liên lạc và hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai nguy hiểm (bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, lốc, sét, mưa đá,..) hoặc thảm họa liên quan đến khí tượng; Phối hợp, hợp tác cùng tham gia vào các tổ chức quốc tế có liên quan để thúc đẩy trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ của quốc tế và một số nội dung khác.

Tại buổi gặp mặt, Tổng cục KTTV cũng tổ chức ra mắt “Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm dông sét, mưa, lũ” với kỳ vọng tiếp tục tăng độ tin cậy, tính kịp thời của bản tin dự báo, cảnh báo; nhất là cảnh báo sớm dông sét, mưa, lũ trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng dị thường. Việc ra mắt “Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ” nói riêng và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động nghiệp vụ nói chung chính là thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, hội nhập quốc tế và thể hiện phẩm chất, năng lực sáng tạo, sự ham học hỏi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành KTTV trong thời gian qua.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc