Tin mới

Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Tài nguyên và Môi trường

14:33, 01/10/2023

Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiều năm qua, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem là một mũi nhọn nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số

Hiện nay Bộ đang triển khai dự án “Chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)” với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, đảm bảo an ninh, an toàn dùng chung theo hướng hiện đại, đồng bộ góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số tài nguyên môi trường; dự án “Xây dựng hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường” kết nối với Trung tâm điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu số theo thời gian thực; theo dõi, giám sát, đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Triển khai chữ ký số, chứng thư số, chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ: Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã cấp mới 173 chứng thư số (17 cho tổ chức và 156 cho cá nhân (22 sim ký số)), đã thực hiện thay đổi thông tin chứng thư số cho 20 tổ chức và 188 cá nhân, đạt tổng số hơn 3.390 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân và 403 sim ký số. Là một trong các Bộ sử dụng nhiều và đạt tỷ lệ chứng thư số trên số lượng người dùng.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành

Về hạ tầng số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu được từng bước hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi số của Bộ, ngành; Công tác an toàn thông tin được quan tâm, không để xảy ra mất an toàn thông tin lớn, các sự cố nhỏ được phát hiện, khắc phục kịp thời; Vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông với hệ thống của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng công tác chỉ đạo điều hành, góp phần quan trọng để Bộ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hiện nay, Bộ TN&MT đã triển khai, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP), bảo đảm an toàn thông tin, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và các hệ thống thông tin của Bộ với 238 dịch vụ, 8.174.873 giao dịch tính đến tháng 9/2023; số lượng văn bản điện tử (ký số) gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng dữ liệu nội bộ tính đến tháng 9/2023 là 61.121 văn bản.

Về xây dựng CSDL quốc gia chuyên ngành tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt về công tác CSDL đất đai Quốc gia, hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng, trong đó 219/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG) đã hoàn thành CSDL đất đai của 231 đơn vị cấp huyện của 28 tỉnh, thành phố (với đầy đủ 4 thành phần: địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất). Như vậy, tổng số CSDL đất đai đến tháng 9/2023 hoàn thành là 450/705 huyện.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ngành TN&MT phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua; quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị được giao, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hiện đại hóa công sở, xây dựng Chính phủ số ngành TN&MT.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc