Mặn xâm nhập vào ĐBSCL theo thuỷ triều biển Đông và biển Tây. Tuỳ theo chế độ dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công, điều kiện khí tượng (mưa, gió, nhiệt độ,…), hệ thống sông kênh, rạch tự nhiên của vùng cùng với những tác động của con người (xây dựng các hệ thống công trình thuỷ lợi, bố trí cơ cấu cây trồng) mà mức độ xâm nhập vào trong sông có sự thay đổi khác nhau.
Nước biển chứa khoảng 35g muối trong một lít (tức 35‰). Tiêu chuẩn độ mặn trong nước uống là < 0,25‰. Nước có độ mặn 0,14‰ thì không ảnh hưởng xấu tới hoa màu. Có vài loại hoa màu chịu đựng được nước có độ mặn 0,36‰. Trên mức này, thực vật thông thường có dấu hiệu suy thoái hay bị chết. Tuy nhiên, có khoảng 3.500 loài thực vật chịu đựng được nước mặn - gọi là nhóm halophytes. Trong số này, thực vật trong rừng ngập mặn, đứng đầu chịu mặn là cây Mấm (Avicennia alba). Một số loài thực vật trong sa mạc cũng chịu đựng được nước mặn. Lúa thông thường không thể canh tác khi nước có độ mặn quá 4‰.
Các giống lúa thông thường bắt đầu có triệu chứng chậm phát triển ở độ mặn 2‰, tuy nhiên có một số giống lúa kháng mặn như CSR10 của Australia vẫn cho năng xuất khá. Yêu cầu nước uống cho gia súc có độ mặn dưới 1,5‰. Cá nước ngọt có thể sống được ở trong môi trường độ mặn 15‰.
- Ảnh hưởng mặn các năm 1993 - 2001:
Vì ảnh hưởng thủy triều và lưu lượng nước sông xuống thấp trong mùa khô, nên nước biển xâm nhập sâu vào nội địa. Trong những năm hạn hán 1993 và 1998, lưu lượng nước sông Cửu Long xuống rất thấp, nên khoảng 1/3 diện tích Cà Mau bị nhiễm mặn 4‰, không canh tác được. Năm 1999, riêng tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Cà Mau khoảng 100.000 ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Ngay đầu năm 2001, khi bắt đầu mùa mưa vào tháng 5, một số tỉnh ở ĐBSCL vẫn bị nước mặn ảnh hưởng.
- Ảnh hưởng mặn trong mùa khô các năm 2004 - 2005:
Độ mặn có khuynh hướng gia tăng. Ví dụ như độ mặn ở cùng một địa điểm thuộc Long An tăng từ 0,3‰ vào tháng 3/2002 lên 1,8‰ vào tháng 3/2004. Tại cống Cái Xe (rạch Mỹ Xuyên và thị xã Sóc Trăng), ngày 20/2/2005 độ mặn trong nước là 5,9‰. Tại cống Xuân Hoà (Gò Công), vào những năm trước đây độ mặn chỉ ở mức 2‰, nhưng những năm gần đây độ mặn đạt mức 3‰ thậm chí 5‰.
- Ảnh hưởng mặn trong mùa khô các năm 2009 - 2010:
Diện tích bị nhiễm mặn ở ĐBSCL trong mùa khô bình thường thay đổi từ 1,4 và 2,0 triệu ha (riêng năm 1998, diện tích nhiễm mặn lên tới 2,8 triệu ha). Trong mùa khô năm 2010 độ mặn trong các sông ở khu vực hạ lưu ven biển ĐBSCL thay đổi từ 0,1 đến 12,4‰, cao hơn so với cùng kỳ năm 2009: tại Sóc Trăng, độ mặn từ 1,9 đến 9,6‰; tại Bạc Liêu, độ mặn đạt khoảng 3‰; tại Hậu Giang khoảng 7‰. Vùng 2 sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), độ mặn trong kỳ triều cường cuối tháng 2 tăng từ 0,8 - 2‰ so với cùng kỳ năm 2009. Vùng cửa sông Tiền, sông Hậu tính đến đầu tháng 3, độ mặn tăng từ 0,9 đến 1,5‰. Cao nhất là vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau, độ mặn tăng từ 1 đến 8‰. Diện tích lúa đông xuân 2009 - 2010 chịu ảnh hưởng mặn lên đến 620.000 ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng, tập trung ở các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ngoài ra, còn 100.000 ha khác có nguy cơ bị ảnh hưởng của mặn. Các trà lúa xuống giống trong tháng 12 và đầu tháng I đang ở giai đoạn ngậm sữa và trổ có khả năng bị giảm năng suất.
- Ảnh hưởng mặn trong mùa khô năm 2013:
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn, trong đó hơn 100.000 ha sẽ bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại (Bến Tre) thì trong vụ lúa đông xuân, toàn huyện đã xuống giống 1.158 ha, nhưng đã có 500 ha bị khô hạn, thiếu nước và nhiễm mặn... có khả năng giảm năng suất 70%. Bên cạnh đó, có 30 ha hoa màu bị nhiễm mặn, cho thu hoạch kém, thiệt hại từ 80 đến 90% (vì nhiều nơi độ mặn đo được lên tới 8‰). Do đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo người dân chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày.
Trong khi đó, tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng), bà con nông dân đã ngừng chăm sóc hơn 600 ha xuống giống muộn, xem như thất thu hoàn toàn, những diện tích còn lại hoặc bị khô hạn hoặc bị nhiễm mặn nên phát triển rất kém.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, để đối phó với xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất, ngành thủy lợi tỉnh đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng đắp 95 đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng, vận động nhân dân tiết kiệm nước, duy tu sửa chữa các trạm bơm... Kiên Giang 32 và An Giang đã cho đóng toàn bộ 27 cống ngăn mặn trong vùng Tứ giác Long Xuyên để ngăn mặn và giữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đang khẩn trương đắp hơn 30 đập ngăn mặn giữ ngọt tại các huyện Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long,...; đồng thời khuyến cáo nông dân gia cố lại ao hồ, bờ ruộng nhằm tránh thiệt hại. -
- Ảnh hưởng mặn những tháng đầu năm 2016:
Tính đến ngày 15/3/2016, cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn, trong đó đã có 11/13 tỉnh/thành công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vình, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận.
Ngày 07/3/2016 Bộ Ngoại giao đã có công hàm số 128/NG-ĐBA gửi Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) của Trung Quốc xuống Hạ lưu sông Mê Công để góp phần phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3/2016 đến 10/4/2016.
Đến thời điểm ngày 25/3/2016, đã có 170.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng và nếu tiếp tục như vậy trong vòng 2 tháng nữa, sẽ có 500.000 ha bị ảnh hưởng. Đối với sinh hoạt, việc cung ứng nước ngọt rất khóa khăn, nhiều nơi đã đào giếng sâu đến 80 m nhưng tình trạng nhiễm mặn vẫn không được cải thiện.
- Ảnh hưởng mặn trong mùa khô các năm 2019 - 2020:
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, ranh giới độ mặn 4gam/lít đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600ha, cao hơn năm 2016 là 50.376ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500ha/176.700ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000ha. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, ở ĐBSCL có sáu tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900ha, trong đó, có 26.000ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300ha.
Trên cây ăn trái, hạn và xâm nhập mặn đã làm khoảng 6.650ha tại sáu tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) thiếu nước tưới, giảm năng suất, khoảng 355ha bị thiệt hại mất trắng. Hạn, xâm nhập mặn đã làm 1.241ha cây màu tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau thiếu nước tưới, trong đó có 541ha bị thiệt hại mất trắng. Nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cũng bị thiệt hại hơn 8.715ha, trong đó nghề nuôi cá truyền thống thiệt hại 1.234ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha.
Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt mùa khô năm năm nay là do nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre bị cạn kiệt vì xâm nhập mặn vào sâu. Nguồn nước mặt tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau và Bạc Liêu bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm.
Ngoài ra, trong mùa hạn, mặn năm nay tình trạng thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch khô cạn, dẫn đến tình sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh. Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920m làm thiệt hại về nhà, đất ở, đất trồng cây lâu năm và hoa màu của 108 hộ dân.
Tại Long An, hạn, mặn đã làm sạt lở làm khoảng 200m đê bao và đường nông thôn ven sông tại các huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, Thạnh Hóa. Tại Cà Mau, hạn, xâm nhập mặn đã làm sụt lún chín điểm bờ kênh và nhiều tuyến đường giao thông ở huyện Trần Văn Thời, thành phố Cà Mau và huyện U Minh, với tổng chiều dài sụt lún hơn 24km; đê biển Tây bị sụt lún tại đoạn Đá Bạc-Kênh Mới với tổng chiều dài 240m và 4.215m đang có nguy cơ tiếp tục sụt lún. Tại Kiên Giang, hơn 1,500km đê bao và lộ giao thông nông thôn huyện U Minh Thượng cụng bị sụt lún nghiêm trọng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã xuất hiện 14 điểm sạt lở, tại An Giang có chín điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống hạn mặn.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT