Tài nguyên nước

Diễn biến hạn mặn khu vực đồng bằng Sông Cửu Long

11:27, 23/09/2022
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người; chiếm 13% diện tích cả nước nhưng hơn 19% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%); chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng, thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước,... ĐBSCL có diện tích rừng ngập mặn (RNM) và đất ngập nước than bùn và là nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất nước ta, đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. ĐBSCL có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã nội, quốc phong an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hệ sinh thái RNM của ĐBSCL lưu trữ hơn 360 triệu Gt CO2 tương đương (gấp gần ba lần tổng lượng phát thải của Việt Nam). ĐBSCL có nền văn minh sông nước độc đáo, có nhiều bài học tốt về chung sống với lũ, hạn mặn và với BĐKH. Nhưng thu nhập bình quân đầu người ở đây (40,2 triệu đồng/người/năm), thấp hơn trung bình cả nước (47,9 triệu đồng/người/năm).
 

Tuy nhiên ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tổn thương mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng (NBD), ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức và tác động kép do BĐKH, NBD, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước thượng nguồn sông Mê Kông và các hoạt động nhân sinh khác. Nguồn lợi thủy sản và nguồn nước ngọt có xu hướng giảm; các tai biến liên quan và thách thức từ phía biển đối với ĐBSCL có xu hướng tăng trong bối cảnh BĐKH. ĐBSCL là thực tiễn sống động, phòng thí nghiệm tự nhiên đa dạng cho cống hiến, phát minh khoa học và công nghệ (KHCN) ứng phó BĐKH và phát triển bền vững (PTBV).

Những năm gần đây, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL phức tạp, bất thường, năm sớm năm muộn so với cùng kỳ nhiều năm. Năm 2011, xâm nhập mặn sớm hơn, từ giữa tháng 2, nhiều địa phương vùng ĐBSCL, Tây Nguyên đã phải đối phó với hạn hán và đặc biệt là tình trạng nước mặn xâm nhập. Tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL, nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn sớm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động nông nghiệp. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua và dự báo còn diễn biến xấu hơn trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, năm 2020, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng, trải dài từ Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên đến Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn suy giảm, xâm nhập mặn đã xuất hiện từ tháng 12 năm 2019, sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số nơi tương đương hoặc sâu hơn cùng kỳ năm 2016 (năm xảy ra xâm nhập mặn lịch sử). Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là sự gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
3

Do vị trí địa lý, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của thủy triều từ cả biển Đông và biển Tây. Trong mùa cạn, khi lưu lượng nước ở thượng lưu đổ về giảm, thủy triều ảnh hưởng mạnh lên thượng lưu và hệ thống kênh rạch nội đồng, dẫn theo nước mặn xâm nhập sâu cả trên sông và nội đồng. Theo thống kê, có trên 50% diện tích ĐBSCL (39.330 km2 ) bị nhiễm mặn, gồm địa phận các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Trên cơ sở số liệu tại các trạm đo mặn và số liệu điều tra khảo sát mặn ở vùng cửa sông Tiền - sông Hậu (các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, và một phần Sóc Trăng), sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), vùng BĐCM (tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) và vùng ven biển Tây (tỉnh Kiên Giang và một phần tỉnh Cà Mau), có thể chia ĐBSCL ra các vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn như sau:

Vùng ven sông Vàm Cỏ thuộc địa phận tỉnh Long An

Hiện trạng xâm nhập mặn vùng hai sông Vàm Cỏ từ đầu mùa khô đến đầu tháng 3 (4/3/2016), độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 tăng từ 4,7-7,4g/l, cụ thể một số trạm chính sau:

- Trên dòng sông chính Vàm Cỏ, tại trạm Cầu Nổi: độ mặn lớn nhất đạt 20,3g/l (ngày 9/2/2016); so với cùng kỳ năm 2015 (15,6g/l) tăng 4,7 g/l.
- Trên sông Vàm Cỏ Đông, tại trạm Bến Lức: độ mặn lớn nhất đạt 9,7 g/l (ngày 8/2/2016); so với cùng kỳ năm 2015 (3,1 g/l) tăng 6,6 g/l.
- Trên sông Vàm Cỏ Tây, tại trạm Tân An: độ mặn lớn nhất đạt 8,1 g/l (ngày 8/2/2016); so với cùng kỳ năm 2015 (0,7 g/l) tăng 7,4 g/l.

Vùng các cửa sông Cửu Long

Hiện tượng xâm nhập mặn vùng cửa sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến đầu tháng 3 (ngày 4/3/2016), độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 tăng từ 1,5 - 8,2 g/l.

Vùng các cửa sông Tiền, sông Hậu

Mặn cũng theo thủy triều từ biển Đông xâm nhập vào trong sông. Độ mặn trung bình tháng và độ mặn lớn nhất trong năm thường xuất hiện trong tháng 3 hoặc tháng 4. Độ mặn cao nhất trong mỗi tháng và độ mặn lớn nhất trong thời gian quan trắc tại các vị trí khác nhau trên một dòng sông. Chiều dài xâm nhập của độ mặn 4‰ khoảng 50 - 57 km, trong đó sâu nhất trên nhánh cửa Tiểu - nhánh sông có tỉ lệ phân nước nhỏ nhất.

Vùng ven biển Tây gồm tỉnh Kiên Giang và một phần tỉnh Cà Mau

Hiện tượng xâm nhập mặn khu vực ven biển Tây, trên sống Cái Lớn từ đầu mùa khô đến đầu tháng 3 (ngày 4/3/2016), độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 tăng từ 4,8 - 7,6 g/l.

Vùng Bán đảo Cà Mau

Đây là khu vực chịu ảnh hưởng của mặn theo thủy triều ở cả biển Tây và biển Đông. Mặn theo thủy triều biển Đông ngược sông Hậu và sông Mĩ Thanh ảnh hưởng trong phạm vi tỉnh Sóc Trăng; ngược sông Gành Hào ảnh hưởng tới thị xã Bạc Liêu trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu, đến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu xuất hiện vùng giáp triều - mặn ở khu vực lân cận thị xã Bạc Liêu. Khi triều lên, nước chảy từ Bạc Liêu về phía sông Gành Hào.

Diễn biến mặn trong khu vực khá phức tạp, độ mặn lớn nhất trong thời kỳ quan trắc hầu như không xuất hiện đồng thời cùng một năm ở các vị trí khác nhau. Tuy nhiên, độ mặn trung bình tháng lớn nhất xuất hiện chủ yếu trong tháng 4 hoặc tháng 5 - chậm hơn so với các khu vực khác.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT