Tài nguyên nước

Tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến công tác bảo vệ tài nguyên nước

09:18, 25/10/2022
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gia tăng các hoạt động xả nước thải nhất là các loại hình nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật… đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt.

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu, khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, các làng nghề… Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường, đã làm cho tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm không ngừng gia tăng về cả mức độ lẫn quy mô.

 
1
Hình ảnh nguồn nước dẫn về hồ Đầm Bài bị ô nhiễm (ảnh báo Người Lao động)

Các đô thị ngày càng tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến. Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến năm 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần, đạt trên 2.500 USD năm 2018. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,2 tỉ m3 nước, trong đó, nước mặt khoảng 77,2 tỷ m3 (chiếm 95,3% tổng lượng nước khai thác, sử dụng trên cả nước cấp cho các ngành dùng nước) và lượng nước dưới đất khai thác sử dụng chỉ khoảng 3,83 tỷ m3/năm (chiếm 4,7% tổng lượng nước khai thác, sử dụng).
Rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng ở Việt Nam đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông. Mất thảm thực vật là tác nhân lớn nhất dẫn đến xói mòn lưu vực, lớp đất bề mặt bị rửa trôi dẫn đến tình trạng bồi lắng và làm giảm dung tích hữu ích các hồ chứa. Mất rừng cũng đồng nghĩa với mất tầng trữ nước bề mặt, mưa bao nhiêu sẽ thành dòng chảy làm tăng nguy cơ lũ lụt, đồng thời làm giảm lượng trữ nước ngầm cho mùa khô làm tăng nguy cơ hạn hán, mất cân bằng lượng khí ô xy và cacbonic làm mất cân bằng sinh thái trên lưu vực sông.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam

 Nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước, điển hình là hiện tượng hán hán, thiếu nước trên các lưu vực sông. Cụ thể như đợt hạn hán lịch sử vào mùa khô năm 2016 xảy ra ở phần lớn các khu vực ở nước ta như vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL... nguyên nhân là do một đợt El Nino mạnh và kéo dài kỷ lục (từ 2014 đến giữa năm 2016 mới chấm dứt).

Hệ quả của nó là dòng chảy trên hầu hết các sông, suối từ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đến ĐBSCL đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt.... Hiện nay, tại vùng ĐBSCL đang diễn ra đợt hạn, mặn kỷ lục với quy mô và mức độ ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, vấn đề trước đây của vùng ĐBSCL là sống chung với lũ, nhưng ngày nay việc thiếu nước ngọt đã trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Thực hiện Trung tâm Truyền thông TNMT