- Vùng trên: sống chung với lũ.
- Vùng giữa: bảo đảm cung cấp nước ngọt cho vùng và vùng ven biển, chống lũ an toàn cho các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư.
- Vùng ven biển: sống chung với nước lợ, nước mặn.
Trên cơ sở, việc phân vùng nêu trên, bên cạnh các định hướng, giải pháp quản lý, sử dụng nước chung của cả vùng, cần phải có những định hướng, giải pháp quản lý, sử dụng nước - đất cụ thể cho từng tiểu vùng, gắn với các mục tiêu, yêu cầu cơ bản của từng vùng như đã nêu trên.
Định hướng chung
Giải quyết vấn về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh nêu trên, đòi hỏi phải có cách nhìn nhận mới về cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước. Mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, cân bằng nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai và phải bảo đảm tính tổng thể, thống nhất toàn vùng, đồng thời phù hợp với từng tiểu vùng. Theo đó:
Trước hết, là phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch phát triển trên phạm vi không gian chung của cả vùng, nhưng không phá vỡ tính đặc thù của từng tiểu vùng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, cấp nước, giao thông thủy, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những xu thế biến đổi của nguồn nước trong tương lai. Đồng thời, phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản đối với từng tiểu vùng: sống chung với lũ - tại vùng trên; bảm đảm nước ngọt, chống lũ an toàn - tại vùng giữa và sống chúng với mặn, lợ ở vùng ven biển.
Thứ hai, quy hoạch tài nguyên nước, các chính sách về quản lý, sử dụng nước phải được đặt trong bối cảnh tác động kép, xu thế biến đổi của tài nguyên nước trong tương lai, kết hợp với những dự báo dài hạn để có các giải pháp phù hợp bảo đảm cấp nước an toàn cho toàn vùng và từng tiểu vùng tiết kiệm nước ngọt, sống chung với hạn và mặn, đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và đáp ứng các yêu cầu cơ bản đối với từng tiểu vùng như đã nêu trên.
Thứ ba, có cơ chế quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, phòng, chống lũ, giao thông, xây dựng... bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên toàn vùng, không phá vỡ các yêu cầu cơ bản đối với từng tiểu vùng và phải cân nhắc, xem xét kỹ, ưu tiên các giải pháp không hối tiếc.
Thứ tư, không thể tách rời tài nguyên nước của ĐBSCL với những vấn đề về khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công. Vấn đề cơ bản, cốt lõi là giải quyết trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mê Công. Để bảo đảm an ninh nguồn nước đối với đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh các tác động kép, cần tiếp tục kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.
Định hướng đối với từng vùng
- Đối với Vùng trên: Bảo đảm yêu cầu sống chung với lũ và trữ nước. Theo đó cần phát triển ngành nông nghiệp dựa vào lũ và thực hiện các giải pháp để phòng lũ, tiêu thoát lũ, tạo không gian trữ lũ và dự trữ không gian cho hệ thống tiêu thoát lũ, kiểm soát lũ.- Đối với Vùng giữa: Bảo đảm yêu cầu cung cấp nước ngọt, chống lũ an toàn cho các khu vực trọng yếu. Theo đó, cần thực hiện các biện pháp để kiểm soát nước ngọt, nước mặn tại các dòng sông, trữ nước ngọt trong kênh, rạch, chống lũ an toàn cho các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn và các khu vực quốc phòng, an ninh và các giải pháp để bảo đảm cung cấp nước ngọt cho nội vùng và vùng ven biển.
- Đối với Vùng ven biển: thực hiện sống chung với nước mặn. Cần chuyển đổi căn bản sang nền kinh tế nước lợ, nước mặn và thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển theo hướng kết hợp khôi phục, phát triển, mở rộng không gian rừng ngập mặn kết hợp với công trình gia cố bờ biển ở những khu vực thích hợp; thực hiện giải pháp công trình mềm (không kết hợp với đường giao thông, tạo không gian để phát triển rừng ngập mặn ngoài đê...).
Để bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội theo hướng phù hợp với quy luật tự nhiên, hài hòa giữa các ngành, địa phương và bảo quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước trên toàn vùng, trong thời gian tới cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước.... Cùng với đó cần phải đổi mới cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước vùng ĐBSCL, gắn với các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT