Tài nguyên nước

Các yếu tố ảnh hưởng đến xâm nhập mặn ĐBSCL

08:32, 29/09/2022

Dòng chảy thượng nguồn và phân bố dòng chảy trên các sông thuộc ĐBSCL

Dòng chảy từ thượng lưu vào ĐBSCL

Trong giai đoạn 1991-2012, tổng lưu lượng trong tháng 4 ( åQIV ) của sông Mê Công chảy vào ĐBSCL (sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc) nhỏ nhất là vào các năm 1993 (1.535 m3 /s), 1995 (1.891 m3 /s) và 1998 (1.819 m3/s) và đều là những năm khô hạn nặng do chịu ảnh hưởng của El Ninô, nên độ mặn lớn nhất cũng phần lớn đều xuất hiện vào những năm này.
 

1
Một đoạn sông Mekong. (Nguồn: luxurycruisemekong.com)


Theo số liệu từ 1993 đến 2012, dòng chảy sông Mê Công chảy vào ĐBSCL có xu thế tăng lên vào mùa cạn. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa sông Tiền và sông Hậu cũng có thay đổi: Lưu lượng trung bình tháng vào mùa cạn các tháng 1, 2, 3 tại Tân Châu tăng lên, tuy nhiên xu thế tại Châu Đốc giảm. Đến tháng 4, 5 xu thế lưu lượng nước trung bình tháng tại Châu Đốc lại tăng.

Năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Vì vậy, mùa lũ năm 2015 thuộc năm lũ nhỏ dần, dẫn đến dòng chảy trong mùa khô từ thượng lưu chảy về ĐBSCL xuống ở mức cực thấp (ở mức lịch sử).

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mekong). Hiện nay, vào giữa thời kỳ mùa khô nên dòng chảy thượng lưu chảy về ĐBSCL xuống thấp. Hiện trạng của hai yếu tố này trong mùa khô năm 2015-2016 như sau:

Chế độ nước ở Biển Hồ (Tonle Sap)

Mực nước giữa mùa khô năm 2015-2016 ở trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) đầu tháng 3/2016 ở trạng thái cực thấp (trung bình khoảng 1,78m) so với những năm từ 1980-2013 và thấp hơn cùng kỳ năm 2014 - 2015 khoảng 0,95m.

Dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2016, dòng chảy từ thượng lưu về đồng bằng có sự gia tăng đột biến, tuy nhiên lưu lượng dòng chảy không duy trì mà giảm nhanh vào đầu tháng 3.
Phân phối dòng chảy giữa dòng chính và các phân lưu

Sự phân phối lượng dòng chảy giữa sông Tiền và sông Hậu cũng như giữa các nhánh sông Tiền (sông Cửa Tiểu, sông Mỹ Tho, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên) và giữa các nhánh sông Hậu (chảy ra cửa Định An và cửa Trần Đề) cũng ảnh hưởng đáng kể đến độ mặn tại các cửa sông này. Nhìn chung, độ mặn ở Cửa Tiểu (trạm Vàm Kênh), cửa Đại (trạm Bình Đại) cao hơn so với các cửa sông khác, chủ yếu là do lượng nước sông Cửu Long chảy về các cửa sông này ít hơn.

Dòng chảy trên sông, kênh rạch nội đồng

Mặn xâm nhập vào hệ thống sông, kênh rạch nội đồng phụ thuộc vào các yếu tố chính như: lượng nước ngọt từ thượng lưu truyền về, độ lớn của thủy triều, các yếu tố khí tượng (chủ yếu là mưa và bốc hơi), hoạt động kinh tế xã hội như công trình dẫn nước ngọt, hệ thống kênh rạch chuyển nước ngọt và hệ thống cống, đập ngăn mặn, lượng nước lấy từ sông ngòi, kênh rạch cho các nhu cầu, chủ yếu là cho tưới...

Trong mùa cạn, mực nước ở vùng ĐTM chịu ảnh hưởng triều biển Đông từ sông Tiền phía Tây, sông Vàm Cỏ Tây ở phía Đông và các kênh rạch phía Nam, trong đó từ sông Tiền chiếm ưu thế. Mực nước ở Tân Châu và Châu Đốc và mực nước nội đồng thường dao động đồng pha. Ảnh hưởng của triều đến mực nước có xu thế giảm dần từ phía sông Tiền sang phía sông Vàm Cỏ.

Vùng TGLX chịu ảnh hưởng triều đồng thời từ sông Hậu do triều biển Đông và từ kênh Rạch Giá - Hà Tiên do triểu Biển Tây. Từ năm 2000 đến nay, diễn biến thủy văn mùa cạn vùng TGLX có nhiều thay đổi. Nguồn triều từ phía sông Hậu vào chiếm ưu thế, nguồn nước từ kênh Vĩnh Tế chuyển vào qua 7 cầu (từ Châu Đốc đến Nhà Bàng) đã thay đổi nhiều do chỉ còn có 2 đường vào là Tha La và Trà Sư. Do hệ thống công trình ngăn mặn hiện nay, triều biển Tây truyền vào chỉ còn thông qua các cửa Vàm Răng, cầu Rạch Giá 1, cầu Rạch Giá 2, cầu An Hòa và cầu Rạch Sỏi.

Ở vùng BĐCM, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trong đó có một số sông nội đồng tương đối lớn như sông: Cái Lớn, Cái Bé, Ông Đốc, Bảy Hạp, Cửa Lớn, Gành Hào và Mỹ Thanh, một số kênh, rạch tương đối lớn chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam từ sông Hậu, sông Mỹ Thanh sang phía biển Tây như các kênh: Bạc Liêu - Cà Mau, Quản Lộ - Phụng Hiệp (QLPH), Xà Nô, Ô Môn, Cái Sắn... và một số kênh theo hướng Tây Bắc - Đông Nam như: Ngạn Dừa - Bạc Liêu, Phước Long - Vĩnh Mỹ, Làng Thứ Bảy - Canh Điền - Phố Sinh, Canh Điền - Hộ Phòng, kênh Cán Gáo - sông Tiêm - Sông Mỹ Thanh chảy trên địa phận tỉnh Sóc Trăng, chảy ra biển tại cửa Mỹ Thanh. Sông Gành Hào chảy trên địa phận tỉnh Cà Mau, đoạn hạ lưu là ranh giới hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, nối thông với một số kênh rạch như kênh Đội Cương, kênh Xáng Cà Mau..., trong đó, kênh Đội Cương lại thông với sông Bảy Hạp. Ở phía tây nam sông Gành Hào có sông Bồ Đề chảy trên địa phận huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, nối với sông Cái Lớn chảy ra biển Tây. Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp từ TP. Cà Mau (kênh Quản Lộ) xuyên qua địa phận các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, nối với sông Hậu bởi kênh Xáng Cái Con và kênh Xáng trên địa phận huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang.

Nguồn nước ngọt cung cấp cho bán đảo Cà Mau chủ yếu từ sông Hậu qua hệ thống kênh trục như: Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lai Hiếu, Xà No, Ô Môn...

Mặn xâm nhập vào BĐCM mạnh nhất từ các cửa sông Mỹ Thanh, Gành Hào và yếu nhất từ sông Cái Lớn, Cái Bé. Các sông và kênh rạch trong BĐCM lại nối liền với nhau, nên ảnh hưởng triều và mặn rất phức tạp. Những năm qua, hệ thống cống ngăn mặn trên các kênh Tiếp Nhật, Quản Lộ - Phụng Hiệp được xây dựng và đi vào hoạt động đã hạn chế mặn từ biển Đông và biển Tây xâm nhập vào. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm lại làm cho diễn biến của mặn càng trở nên phức tạp hơn.

Chế độ thủy triều ở ĐBSCL

ĐBSCL chịu ảnh hưởng của thủy triều từ biển Đông và biển Tây xâm nhập vào với chế độ triều khác nhau.

Triều từ biển Đông xâm nhập vào hệ thống sông ngòi, kênh, rạch nội đồng ở ĐBSCL qua cửa sông Vàm Cỏ, các cửa sông Tiền (cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, và cửa Cung Hầu), cửa sông Hậu (cửa Định An, Cửa Trần Đề) và các cửa sông Mỹ Thanh, Gành Hào, Bồ Đề....
 

12
Bản đồ mức độ xâm nhập nặm ĐBSCL dưới tác động nước biển dâng ĐBSCL năm 2017 và đến năm 2050


Triều biển Đông truyền theo hệ thống sông đến tận lãnh thổ Cămpuchia. Triều biển Đông xâm nhập vào BĐCM từ sông Hậu rồi qua các kênh, rạch trong bán đảo Cà Mau và các sông Mỹ Thanh, Gành Hào, Bồ Đề... Trước khi có hệ thống công trình ngăn mặn từ biển Đông, triều từ biển Đông chiếm ưu thế ở phía Nam vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp, tương tác giữa triều biển Đông qua sông Hậu vào các kênh rạch với triều biển Tây đã hình thành khu vực giao thoa trên địa phận tỉnh Kiên Giang và phần phía tây tỉnh Cà Mau với đặc điểm chân triều thấp, đỉnh triều cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng chuyển nước ngọt từ sông Hậu vào hệ thống kênh, rạch nội đồng ở bán đảo Cà Mau trong mùa cạn và khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa lũ, kéo dài thời gian ngập úng trong mùa mưa ở khu vực trung tâm bán đảo Cà Mau. Từ Long An đến Mũi Cà Mau, bán nhật triều không đều, biên độ khoảng 3-4m. Trong những ngày triều cường nếu xuất hiện gió sẽ làm gia tăng phạm vi xâm nhập mặn trên dòng chính và kênh rạch nội đồng.

Triều biển Tây xâm nhập vào vùng TGLX và bán đảo Cà Mau qua các cửa sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Ông Đốc, sông Bảy Hạp, sông Cửa Lớn và các kênh, rạch trực tiếp chảy ra biển Tây, như các kênh Giang Thành, kênh Hà Tiên - Rạch Giá... Nước mặn từ biển Tây theo dòng triều truyền vào Tứ giác Long Xuyên qua các cửa Rạch Sỏi, Rạch Giá, Vàm Răng, Luỳnh Quỳnh, Vàm Rầy, Tuần Thống, Kiên Lương... đổ vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên rồi theo các kênh Long Xuyên, Ba Thê, Mười Châu Phú, Tám Ngàn... xâm nhập vào nội đồng [7]. Ngoài ra, nước mặn cũng có thể xâm nhập theo 2 kênh lớn ở hai rìa của Tứ giác là kênh Cái Sắn và kênh Vĩnh Tế, đổ trực tiếp ra biển Tây. Từ Mũi Cà mau đến Hà Tiên, nhật triều không đều, biên độ khoảng 0,8m - 1,2m.

Nước mặn xâm nhập vào vùng bán đảo Cà Mau từ biển Đông và biển Tây: xâm nhập mặn từ biển Đông theo sông Hậu, sông Mĩ Thanh, sông Gành Hào; xâm nhập từ biển Tây qua các sông Ông Đốc, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, kênh Rạch Sỏi.

Trong quá trình triều truyền vào các kênh rạch, mực nước đỉnh triều giảm dần nhưng chân triều lại được nâng cao dần; dao động triều tắt nhanh khi truyền vào kênh rạch các cấp.
Trong quá trình xâm nhập vào trong hệ thống sông ngòi, kênh rạch, dòng triều đồng thời cũng mang nước mặn từ biển vào. Do đó, thủy triều là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến xâm nhập mặn. Quá trình truyền mặn vào sông cũng theo nhịp điệu của quá trình truyền triều. Tại một vị trí cố định, trong ngày thường có 2 đỉnh mặn và 2 chân mặn gần như đồng pha với sự biến đổi mực nước (thường đỉnh mặn xuất hiện chậm hơn mực nước đỉnh triều khoảng 1 - 2 giờ), độ mặn giảm dần khi vào sâu trong sông. Tại cửa sông, mặn cũng có chu kỳ hàng ngày, chu kỳ 15 ngày và chu kỳ hàng tháng tương tự như chu kỳ của thủy triều. Do ảnh hưởng bởi các yếu tố khí tượng, đặc biệt là gió Đông (gió chướng) trong tháng 2 - 3 nên mực nước đỉnh triều và bình quân gia tăng đến 20 - 30 cm, dẫn tới độ mặn cũng gia tăng theo.

Diễn biến trong ngày: Phần lớn ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi triều biển Đông, nên ở vùng ven biển Đông, bao gồm hạ lưu các sông Vàm Cỏ, Tiền, Hậu, Mỹ Thanh và Gành Hào... chịu ảnh hưởng triều với chế độ bán nhật triều không đều. Trong ngày xuất hiện đỉnh mặn và chân mặn, tương ứng với hai đỉnh và chân triều, phần lớn đỉnh mặn xuất hiện trên sườn triều rút và chân mặn xuất hiện trên sườn triều lên. Ở vùng ven biển Tây, nơi chịu ảnh hưởng của triều biển Tây với chế độ nhật triều không đều là chính, bao gồm các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và một phần các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, trong ngày thường chỉ xuất hiện một đỉnh và một chân mặn, thời gian xuất hiện đỉnh và chân mặn cũng chậm hơn đỉnh và chân triều khoảng 2 - 3 giờ. Riêng khu vực đồng thời chịu ảnh hưởng của cả triều từ biển Đông và từ biển Tây, chế độ mặn rất phức tạp.

Mưa và bốc hơi nội đồng

Ở ĐBSCL, mùa cạn thường trùng với mùa ít mưa, đây cũng là thời kỳ khống chế của gió mùa Đông - Bắc, kéo dài từ tháng 11đến tháng 4 năm sau, khí hậu đặc trưng là khô, nóng và rất ít mưa. Mùa lũ trùng với mùa mưa, là thời kỳ khống chế của gió mùa Tây - Nam, kéo dài từ tháng 5-10, có khí hậu đặc trưng là nóng, ẩm và mưa nhiều. Khí hậu ở ĐBSCL là khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa cận xích đạo, nắng nhiều, nhiệt độ cao quanh năm. Sự tương phản về mưa giữa mùa mưa và mùa khô rất sâu sắc.
Cũng như các vùng khác, mưa ở ĐBSCL biến đổi theo mùa: Mùa mưa hàng năm thường từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô - mùa mưa ít, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Lượng mưa mùa mưa chiếm tới 90 - 95% tổng lượng mưa năm còn lượng mưa mùa khô chỉ chiếm khoảng 5 - 10 %, có năm liên tiếp nhiều tháng không có mưa, gây nên hạn hán nghiệm trọng. Lượng bốc hơi trong các tháng mùa khô cao hơn so với các tháng mùa mưa.

Mưa là nhân tố tạo nên lượng nước mặt (dòng chảy trong sông ngòi, kênh, rạch, đồng ruộng và ao hồ...), ngược lại, bốc hơi từ bề mặt đất và mặt nước tiêu hao nguồn nước mặt. Do đó, xu hướng ảnh hưởng của mưa và bốc hơi đến xâm nhập mặn là khác nhau. Trong những năm lượng mưa mùa khô dồi dào, nguồn sinh thủy lớn, lượng nước ngọt trong hệ thống kênh, rạch và đồng ruộng lớn sẽ hạn chế mặn xâm nhập vào trong hệ thống kênh, rạch nội động; còn bốc hơi lớn thì sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngọt, tạo điều kiện thuận lợi để mặn xâm nhập vào trong nội đồng.

Khai thác, sử dụng nước

Khai thác, sử dụng nước cho các nhu cầu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt, công nghiệp, giao thông thủy... cũng ảnh hưởng đáng kể đến xâm nhập mặn, nhất là đối với các khu vực nội đồng.
Nước sông Tiền trong mùa khô cung cấp cho vùng ĐTM, bao gồm cả lưu vực sông Vàm Cỏ Tây qua hệ thống kênh như Trung Ương, Đồng Điền, An Phong, Tháp Mười, Nguyễn Văn Tiếp...; nguồn nước ngọt sông Hậu cung cấp cho vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau qua hệ thống kênh nối từ sông Hậu như các kênh: Vĩnh Tế, Tri Tôn, Tám Ngàn, Ba Thê, Mạc Cần Dung, Long Xuyên, Rạch Sòi - Vàm Cống - Cái Sắn, Quản Lộ - Phụng Hiệp... Một khối lượng nước ngọt khá lớn lấy từ sông Tiền, sông Hậu để cung cấp cho các vùng ĐTM, TGLX, BĐCM sẽ làm giảm lượng nước ngọt chảy về hạ lưu và do đó tạo điều kiện cho mặn xâm nhập vào trong sông sâu hơn.

Lượng nước ngọt cần cung cấp cho các nhu cầu tưới, lâm nghiệp, chăn nuôi sinh hoạt và công nghiệp trong vùng bán đảo Cà Mau là khá lớn, từ 3.715 m3 /s trong năm 2005 tăng lên 4.480 m3/s vào năm 2015 và 4.745 m3 /s vào năm 2020, trong đó tổng lưu lương cần dùng trong 6 tháng mùa khô (các tháng 1-6) tương ứng khoảng 1.202 m3 /s, 1.675 m3 /s và 1.830 m3 /s (Bảng 8). Ngoài ra, nhu cầu nước lợ cho nuôi trồng thủy sản cũng khá lớn, trung bình trong các tháng mùa khô (1 - 6) khoảng 118 - 486 m3 /s cho mô hình nuôi tôm và trồng lúa. Nguồn nước ngọt để cung cấp cho vùng bán đảo Cà Mau chủ yếu là nước mặt từ sông Hậu, còn nước dưới đất ít.

Ngoài ra, để tiêu thoát lũ, cung cấp nước ngọt, ngăn mặn, nhiều hệ thống công trình thủy lợi như kênh rạch, cống ngăn triều, ngăn mặn... đã được xây dựng.Các hệ thống kênh, rạch cấp nước từ sông Tiền, sông Hậu cho các vùng ĐTM, TGLX và BĐCM góp phần ngọt hóa, đẩy mặn các vùng trên.

Vùng sông Vàm Cỏ: Do nước ngọt sau khi sử dụng cho ĐTM còn sang sông sông Vàm Cỏ Tây rất nhỏ, nên trong mùa khô, mặn xâm nhập sâu. Trước đây, vào tháng 4, độ mặn 4‰ lên đến Tuyên Nhơn, cách cửa sông gần 110 km. Sau năm 1985, các kênh trục trên ĐTM được cải tạo, trong đó có kênh Hồng Ngự nối sang sông Vàm Cỏ Tây, nên mặn trên sông Sông Vàm Cỏ Tây trong những năm sau 1985 có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, từ năm 1990 trở đi, do sản xuất nông nghiệp vùng ĐTM tăng nhanh, diện tích cần tưới tháng 1, 2 tăng, đặc biệt là diện tích gieo trồng lúa Hè - Thu sớm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, khiến mặn trên sông Vàm Cỏ Tây những năm 1992 - 1993 diễn biến bất lợi. Năm 1993 ở Tuyên Nhơn, độ mặn 4‰ duy trì tới 50 ngày. Đặc biệt, mùa cạn năm 1998, tại Tuyên Nhơn xuất hiện độ mặn 10,3‰và tại Mộc Hóa 5‰.

Trước năm 1986, mặn xâm nhập trên sông Vàm Cỏ Đông cũng giống như bên sông Vàm Cỏ Tây. Sau năm 1986, nhờ có lượng nước xả qua kênh Tây của hồ Dầu Tiếng và nước đổ về hệ thống tưới Tây Ninh, tình hình mặn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nhu cầu dùng nước ngày càng gia tăng nên xu thế xâm nhập mặn nói chung vẫn tăng.

Quan hệ giữa xâm nhập mặn và các yếu tố ảnh hưởng

Lượng nước ngọt từ thượng lưu chảy về có tác dụng pha loãng nước mặn theo triều từ biển truyền vào và do đó đẩy lùi mặn ra phía cửa sông. Chính vì vậy, những năm mặn xâm nhập sâu vào trong hệ thống sông, kênh rạch nội đổng ở ĐBSCL là những năm lượng nước sông Mê Công chảy vào ĐBSCL giảm đáng kể. Sự ảnh hưởng của chế độ dòng chảy đến xâm nhập mặn được thể hiện như sau:

- Do phụ thuộc vào chế độ dòng chảy nên chế độ mặn tại vùng cửa sông cũng biến đổi theo mùa trong năm: Vào mùa lũ, khi lượng nước lũ từ thượng lưu chảy về lớn, mặn không thể theo triều xâm nhập sâu vào trong sông, thậm chí ở một số nơi gần cửa sông không bị ảnh hưởng mặn; trái lại, vào mùa cạn, mặn xâm nhập sâu vào trong sông ngòi, kênh rạch; tức là tại cùng một vị trí gần cửa sông, độ mặn lớn trong mùa cạn và độ mặn thấp hoặc thậm chí không bị nhiễm mặn vào mùa lũ. Ở ĐBSCL, thông thường, từ tháng 7 đến tháng 12 mặn trong sông rất nhỏ thậm chí bằng không, ngoại trừ vùng gần cửa sông bị nhiễm mặn quanh năm chủ yếu vào mùa cạn và hầu như không đáng kể trong mùa lũ.

- Trong mùa cạn, cùng với sự suy giảm của lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu đổ về, độ mặn cũng tăng lên và đạt giá trị lớn nhất vào giai đoạn triều cường và dòng chảy thượng nguồn nhỏ nhất. Ở ĐBSCL, dòng chảy sông Mê Công chảy vào ĐBSCL thường nhỏ nhất vào tháng 3 hay tháng 4, nên độ mặn lớn nhất cũng thường xuất hiện vào giai đoạn này.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT