Tin tức - Sự kiện

Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp Cố vấn đặc biệt về Hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc

08:20, 09/08/2022

Tại buổi làm việc, ông Selwin Hart cho biết, các cam kết tại COP26 vừa qua của các quốc gia, trong đó, có Việt Nam, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù, nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm và chủ động tham gia các cam kết tiến bộ cùng cộng đồng quốc tế. Những cam kết tại COP26 của Việt Nam được quốc tế và Liên Hợp Quốc ủng hộ và đánh giá cao.

tt-thanh.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại buổi tiếp

Ông Selwin Hart cũng chúc mừng Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là hành động quan trọng của Việt Nam trong quá trình triển khai cam kết tại COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế…

Trong thời gian tới, UN sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ TN&MT trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26, giảm phát thải ròng bằng 0 và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành vui mừng đón tiếp ông Selwin Hart và đề nghị, UN tiếp tục thúc đẩy các nước phát triển và các thể chế tài chính quốc tế tham gia hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ để triển khai các cam kết tại COP26, hỗ trợ vận động và thúc đẩy các thành viên G7 và các đối tác phát triển để sớm đạt được chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

8-8-2.jpg
Ông Selwin Hart, Trợ lý Tổng Thư ký,  Cố vấn đặc biệt về Hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc tại buổi tiếp

“Chuyển đổi năng lượng, trong đó, chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là chìa khóa để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", đây cũng là vấn đề cốt lõi trong JETP. Do vậy, đề nghị UN hỗ trợ kinh phí, chuyên gia và kĩ thuật nhằm thực hiện chuyển đổi năng lượng, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng '0" vào năm 2050, đồng thời, vẫn đảm bảo các mục tiêu về phát triển kinh tế, an sinh-xã hội”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị, UN tiếp tục hỗ trợ tăng cường nhận thức, năng lực thể chế và khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; tham vấn với các đối tác quốc tế và các bên có liên quan đánh giá mức độ phát thải và cơ hội giảm phát thải Mê tan trong các ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch giảm 30% khí mê-tan.

8-8.jpg
Hai bên cùng trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn...

Cùng với đó là những hỗ trợ, hợp tác phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu: hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ sinh cảnh ven biển; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học…

 Sau khi làm việc với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, ông Selwin Hart tiếp tục có buổi làm việc với các thành viên Nhóm làm việc đàm phán Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Tại buổi làm việc, các thành viên của Nhóm là đại diện của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Xây dựng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với ông Selwin Hart đã trao đổi cụ thể về hoạt động hợp tác và hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong đàm phán thiết lập JETP với nhóm G7 và các đối tác phát triển.

Theo Báo TNMT