Tin tức - Sự kiện

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra an ninh nguồn nước tại Đà Nẵng và Quảng Nam

09:27, 06/07/2020
Ngày 5/7, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập. Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.
1

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, trên địa bàn TP có 73 công trình thủy lợi gồm: 20 hồ chứa (có 2 hồ chứa lớn gồm Đồng Nghệ và Hòa Trung, 18 hồ chứa nhỏ),  29 đập dâng (có 2 đập dâng thuộc hệ thống thủy nông An Trạch là đập dâng An Trạch và Hà Thanh) và 24 trạm bơm phục vụ tưới cho khoảng 5.700 ha lúa/năm.


Hiện nay, UBND thành phố đã giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng quản lý, khai thác 19 hồ chứa và các đập dâng An Trạch, Hà Thanh; Công ty Thoát nước và xử lý nước thải quản lý hồ chứa Bàu Tràm (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Đối với hệ thống thủy lợi An Trạch, được khởi công tháng 10/1997 và hoàn thành trong năm 2002. Hệ thống bao gồm bốn đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít, Thanh Quýt và 10 trạm bơm điện lấy nước tự nhiên.

Về công tác an toàn hồ, đập, hàng năm trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra đánh giá thực trạng đập, hồ chứa. Hiện nay 6 hồ chứa đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhằm đạt mục tiêu an toàn hồ, 2 hồ chứa đã được sửa chữa và kiểm định an toàn hồ, đập (Đồng Nghệ và Hòa Trung), 8 hồ chứa nhỏ chuẩn bị đầu tư nâng cấp, sửa chữa năm 2020.

2

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng 13 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích xấp xỉ 525 triệu m3 nước

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể việc triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên thực địa (số lượng mốc, cách xác định các vị trí cắm mốc đối với sông, suối) để các địa phương có cơ sở thực hiện theo quy định tại Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 43/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 7/11/2017 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước do phát sinh nhiều bất cập trên thực tế (thị trường chưa có thiết bị phù hợp để đo mực nước và lưu lượng trong các giếng quy mô nhỏ để tưới cây, việc quy định tất cả các giếng thuộc công trình có quy mô >200 m3 /ngày đêm lắp thiết bị quan trắc tự động để giám sát lưu lượng và mực nước trong giếng khai thác là gây tốn kém chi phí rất lớn cho doanh nghiệp và không cần thiết).

3

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thủy lợi và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh

Còn tại tỉnh Quảng Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng 13 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích xấp xỉ 525 triệu m3 nước, 262 trạm bơm điện; 867 đập dâng cấp nước tưới cho 73.964ha/năm; 22 công trình thủy điện với tổng công suất 1.273,96MW và 473 công trình cấp nước nông thôn, với tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt và nước hợp vệ sinh là 91,51% và sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 39,20%.

Việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, có 6 hồ đã lập trình vận hành; 6 hồ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập; 5 hồ chứa đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành; 17 hồ lắp đặt thiết bị quan trắc mưa.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thủy lợi và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 842/QĐ-UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình và UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến an toàn đập và vùng hạ du đập, dự kiến triển khai từ năm 2020 đến 2023.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nêu kiến nghị, ưu tiên hỗ trợ kinh phí nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn 18 hồ chứa thủy lợi hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp, gồm: Trung Lộc, Cây Thông, Đồng Chùa, Hố Cái, Dùi Chiêng, Nước Rin, Đập Quang, Hóc Lách, Dương Hòa, Vũng Tôm, Đá Chồng, Cửu Kiến, Cây Xoay, Ô Ô, Hóc Thầy, Hóc Hương, Bà Xá, Xài Bai. Xây dựng Đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện và nghiên cứu, đề xuất giải pháp ngăn mặn trên sông Thu Bồn nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cấp cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

Đối với an toàn hồ, đập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục thực hiện tốt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mà Thủ tướng đã ban hành; triển khai các giải pháp điều phối để khắc phục tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô và lũ lụt ở mùa mưa.Tại buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, áp lực của Thành phố về nhu cầu sử dụng nước là rất lớn khi dân số ngày càng tăng. Chỉ rõ thực trạng thiếu nước sử dụng trong thời gian ngắn khiến cho cuộc sống bị đảo lộn và bất ổn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đà Nẵng phải có kế hoạch trong tương lai, bảo đảm đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt hơn là với địa phương phát triển kinh tế du lịch như Đà Nẵng.

Còn đối với tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá Quảng Nam đã có những bước tiến tích cực khi có số lượng hồ chứa thủy lợi và thủy điện khá ổn định; chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng là tương đối cao.

4

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Quảng Nam cần chú trọng kiểm tra, giám sát các công trình có nguy cơ mất an toàn cao và ưu tiên để sửa chữa

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Quảng Nam cần chú trọng kiểm tra, giám sát các công trình có nguy cơ mất an toàn cao và ưu tiên để sửa chữa. Với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Nam cần có quy hoạch hệ thống thủy lợi, thủy điện nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.

Theo Báo TN&MT