Nếu như Luật Đất đai 2013 quy định phạm vi đất cho đồng bào DTTS gói gọn trong cụm từ “đất ở, đất sản xuất nông nghiệp” thì Luật 2024 đã mở rộng phạm vi thành “đất đai” nói chung. Từ đây, chính sách đất đai cho đồng bào DTTS được quy định chi tiết, cụ thể, xuyên suốt từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến thu hồi đất, phát triển quỹ đất và điều chỉnh, sắp xếp lại đất đai…
Bổ sung thêm nhiềutrách nhiệm của Nhà nước về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS
Soi chiếu Luật Đất đai 2013 với Luật Đất đai 2024 mới thấy, các quy định được mở rộng, chi tiết hơn rất nhiều. Rõ nhất là ở điều khoản quan trọng nhất - Trách nhiệm của Nhà nước về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS.
Để chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống một cách khả thi, cần có những hướng dẫn thực hiện cụ thể |
Trong Luật Đất đai 2013, nội dung này được quy định tại Điều 27 - Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS. Điều này có 2 khoản, quy định 2 nội dung: Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 có 4 nội dung khác quy định về đất đai cho đồng bào DTTS về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đất cộng đồng dân cư; đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng; chuyển nhượng, cho tặng.
Luật Đất đai 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS tại Điều 16. Điều này có tới 9 khoản. Ngoài khoản “Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng” có nội dung tương tự Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 còn bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; quỹ đất thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS; trách nhiệm của UBND các cấp; kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất…
Riêng về chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, Điều 16 Luật Đất đai 2024 đã dành ra Khoản 2 và 3 để hướng dẫn cụ thể từng trường hợp cũng như quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Nhiều quy định mới hoàn toàn
Ngoài quy định kế thừa Luật Đất đai 2013 về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cư dân sử dụng; Đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện... Luật Đất đai 2024 có hàng loạt quy định mới về chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.
Về đổi mới liên quan đến quỹ đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS, Luật đã quy định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định chỉ tiêu các loại đất đảm bảo chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (điểm d khoản 2 Điều 66), dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS (điểm b khoản 3 Điều 67).
Đặc biệt, để có quỹ đất thực hiện chính sách, Luật quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (khoản 29 Điều 79). Luật cũng giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm để giao, cho thuê đối với tổ chức, cá nhân. Việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương (Điều 180 và Điều 181).
Bên cạnh đó, quy định nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất trong đó có ưu tiên bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS (Điều 112); quy định quỹ phát triển đất của địa phương có nhiệm vụ bố trí kinh phí để phục vụ công tác thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 114).
Về ưu đãi trong hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS, Luật quy định kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất; kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCN và các chi phí khác để thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (khoản 8 Điều 16).
Quy định việc sử dụng đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (điểm c khoản 1 Điều 157).
Về cơ chế bảo vệ quyền sử dụng đất của đồng bào DTTS, Luật bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với “Vi phạm chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số” (khoản 3 Điều 11). Quy định thu hồi đất đối với trường hợp đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê mà người được giao đất, thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định (khoản 4 Điều 81)... Ngoài ra, quy định chuyển tiếp đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về đất đai theo quy định của Luật.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc