Tin mới

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết thách thức về tài nguyên nước tại Việt Nam

09:58, 29/03/2024

Ngày 28/3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo Tuần lễ Nước quốc tế Singapore tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề “Tập trung vào khủng hoảng khí hậu và nguồn nước”.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam; GS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam; bà Halla Maher Qaddumi, Chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành Nước, Ngân hàng Thế giới; các chuyên gia các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học của Việt Nam và quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước dồi dào nước nhưng đang đối mặt với những thách thức, tình trạng xâm nhập mặn, lũ lụt, khô hạn. Tình trạng sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra thách thức; hàng nghìn con đập thủy lợi, thủy điện vốn bảo đảm an ninh nguồn nước cũng đặt ra thách thức đó là sự xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cùng với đó, ô nhiễm nguốn nước là vấn đề lớn đối với với quốc gia, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm sự phát triển kinh tế xã hội. Phần lớn nước thải của Việt Nam chưa được xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường, rất ít hộ gia đình có hệ thống xử lý nước thải.

Quang cảnh Hội thảo

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, hiện nay Việt Nam có 750 nhà máy xử lý nước sạch với tổng công suất hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch hơn 92%.

Về nước thải, cả nước có gần 410 khu công nghiệp đang sử dụng và xử lý nước thải với công suất 400.000 m3/ngày đêm. Có 71 doanh nghiệp thoát nước, xử lý nước thải chủ yếu là thoát nước dùng chung với 82 nhà máy xử lý nước thải với công suất thiết kế 1 triệu m3/ngày đêm, hiện sử dụng khoảng 700.000 m3/ngày đêm.

Hiện nay, khoảng 80 dự án xử lý nước thải với công suất hơn 2 triệu m3/ngày đêm cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom nước thải mới đạt 60%, tỷ lệ xử lý chỉ được 17%.

Cùng với đó, vấn đề ngập lụt đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM đã trở thành vấn đề lớn, cấp bách hằng ngày mà thiếu có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Việt Nam cần khoảng 9 tỷ USD đầu tư hạ tầng nước sạch

Ông Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho rằng, hiện nay, việc đầu tư hạ tầng cấp thoát nước chưa đạt yêu cầu. Để 100% người dân được sử dụng nước sạch Việt Nam sẽ phải đầu tư lớn, số tiền này khoảng 9 tỷ USD đến 2030. Đây là con số rất thách thức trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Cùng quan điểm trên, GS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, con số gần 9 tỷ USD chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu. Thực tế nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam cần tới 30 tỷ USD để hoàn thiện các hạ tầng cấp thoát nước, gồm các dự án nước sạch, xử lý nước thải dân sinh và công nghiệp.

GS. Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phát biểu

Vì thế, GS Nguyễn Việt Anh kiến nghị, các nhà quản lý cần đánh giá đúng giá trị của nước để đưa ra khung chính sách phù hợp và cần tư nhân hóa, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng lĩnh vực này.

Bà Halla Maher Qaddumi, chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước (WB), cho biết với mức độ gia tăng đe dọa từ nguồn nước, Việt Nam có thể mất 6% GDP mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2035. Trong đó, riêng ô nhiễm nguồn nước có thể làm giảm 3,5% GDP.

Bà Halla Maher Qaddumi, chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước (WB) chia sẻ

Để giải quyết vấn đề của ngành nước hiện tại, bà Halla Maher Qaddumi cho rằng, thu hút đầu tư từ khối tư nhân để cập nhật, xây dựng hệ thống hạ tầng mới thay cho hệ thống cũ, lạc hậu đang hiện hữu là vấn đề cần thiết. Vì vậy, bà Halla Maher Qaddumi gợi mở, để thu hút nguồn lực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế chính sách tài chính mạnh mẽ, có khung pháp lý rõ ràng và cần thiết có thể cải cách thể chế.

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về thực trạng cấp thoát nước, những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước tại Việt Nam. Cùng với đó, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng nước cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, kinh nghiệm trong việc xử lý nước thải và cơ hội kinh doanh trong ngành nước; những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết thách thức về nước đô thị và biến đổi khí hậu trên toàn cầu hướng tới bảo vệ tài nguyên nước trong thời đại mới.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc