Tin mới

Con đường Tín dụng xanh và Trái phiếu xanh tại Việt Nam (phần 1)

15:08, 13/09/2023

Phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu, với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia phát triển cũng như tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Hai kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu. Ở Việt Nam, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư BVMT”.

Tín dụng xanh (TDX) là gì?

Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020, lần đầu tiên đã đưa các quy định về TDX (Điều 149), TPX (Điều 150). Đây là một trong những điểm mới, tạo cơ hội để tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn vốn từ hai thị trường tiềm năng này, góp phần thực hiện thành công chủ trương phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp, khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường ở Việt Nam.

TDX cũng như các loại hình tín dụng khác. Tuy nhiên, TDX được dùng để ưu tiên cho các hoạt động kinh tế đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, BVMT. Theo đó, TDX được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học chung. TDX có thể được cung cấp bởi tổ chức tín dụng thuộc Chính phủ, các công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, quỹ đầu tư xanh. Mặc dầu vậy, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp TDX ra thị trường. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Bănglađét… đều thực hiện biện pháp chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia sâu, rộng hơn vào việc phát triển, cung cấp TDX. Hiện nay, nhiều ngân hàng tại Trung Quốc đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về rủi ro môi trường của khách hàng để kiểm soát sát sao các khoản vay và khách hàng có rủi ro cao về môi trường và tăng cường cấp tín dụng cho các dự án đầu tư thân thiện với môi trường.

Các lợi ích mà TDX mang lại được chứng minh ở cả cấp độ quốc gia và doanh nghiệp, bao gồm: đối với quốc gia, TDX đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường và xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; tránh được rủi ro về môi trường và xã hội mà nhiều quốc gia đã gặp phải do quá chú trọng về tăng trưởng và phát triển kinh tế mà coi nhẹ tác động đến môi trường, sinh thái tự nhiên;

Ở cấp độ doanh nghiệp, TDX khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình quản lý, tăng cường áp dụng các biện pháp BVMT. Thông qua đó, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với cộng đồng người dân, người tiêu dùng trong nền kinh tế, TDX sẽ mang lại cơ hội sử dụng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế những rủi ro sử dụng sản phẩm độc hại. Đặc biệt, đây cũng là xu thế chung của thế giới, mở ra cơ hội để các tổ chức tài chính quốc tế huy động nguồn lực đầu tư vốn lớn vào thị trường Việt Nam.

Trái phiếu xanh (TPX) là gì?

TPX là công cụ ghi nợ nhưng được phát hành trên thị trường chứng khoán để huy động tài trợ, cho vay từ khu vực tư nhân nhằm mở rộng quy mô và hiện thực hóa các kế hoạch về đối phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh quốc gia. TPX được xem là công cụ thúc đẩy phát triển, đầu tư vào các hoạt động BVMT của doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án có mục đích BVMT, mang lại lợi ích môi trường, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính. Cùng với đó, thông qua quy định về TPX cho phép hình thành kênh huy động tài chính cho Chính phủ, chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu nổi cộm với quy mô lớn và dài hạn.

Theo thống kê của Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) tính đến hết năm 2021, tổng tích lũy TPX được phát hành trên toàn cầu đến nay là 1.541 nghìn tỷ đô, riêng năm 2021 đạt là 452,2 tỷ đô. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, vai trò của việc sử dụng TPX như một đòn bẩy nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, BVMT của Nhà nước và của cộng đồng doanh nghiệp.

Ở khu vực ASEAN, năm 2020 được đánh giá là năm kỷ lục trong phát hành các khoản vay xanh, xã hội và bền vững với tổng phát hành đạt 12,1 tỷ USD năm 2020, tăng 5,2% so với cùng kỳ so với mức 11,5 tỷ USD năm 2019. Tổng tích lũy phát hành ở ASEAN kể từ năm 2016 đến nay, ở mức 29,1 tỷ USD. Singapore là nước dẫn đầu với 53% tổng lượng phát hành của khu vực. Thái Lan và Inđônêxia cũng có mức tăng trưởng đáng kể. Theo đánh giá của Sean Kidney, Tổng giám đốc Tổ chức CBI, TPX ước đạt 500 tỷ USD vào cuối năm 2021 và dự báo cuối 2022 giá trị phát hành Trái phiếu xanh sẽ đạt 1,000 tỷ USD và có thể đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2025. TPX sẽ trở thành kênh huy động vốn xanh toàn cầu quan trọng nhất.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc