Tin mới

Hướng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam

15:55, 16/08/2023

Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế các-bon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Hydrogen xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời có triển vọng cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải, góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững.

Chính sách hydrogen xanh tại Việt Nam

Hydrogen xanh là nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước, sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, hydrogen được sử dụng làm nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp, trong đó được sử dụng nhiều nhất trong lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Năm 2020, theo đánh giá của Viện Dầu khí Việt Nam, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn một năm

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: “Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen phù hợp với xu thế chung của thế giới”.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo: Điện gió trên bờ có tổng tiềm năng khoảng 217 GW, khu vực miền Trung có tỷ trọng cao nhất khoảng 131 GW; Điện mặt trời có tổng tiềm năng khoảng 1.694 GW. Theo nghiên cứu của Chương trình hỗ trợ quản lý ngành Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB-ESMAP), tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm từ 0 - 200 km là 475 GW, trong đó công nghệ móng cố định là 261 GW và nổi là 214 GW.

Mặc dù tiềm năng điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung là rất lớn nhưng lại có sự phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Do vị trí cách xa các trung tâm phụ tải và lưới điện truyền tải, nên nguồn điện mặt trời không khai thác được, năm 2020 mất khoảng 364 triệu kWh.

Tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam

Trong tương lai, hydrogen xanh sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu; là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam được đánh giá là nơi có nhiều hydrogen tự nhiên gồm: những khu vực có nhiều hoạt động núi lửa, các bể trầm tích liên quan đến thành tạo than, thành tạo móng granite… Cụ thể, hydrogen trong tự nhiên ở Việt Nam sẽ có ở bể Phú Khánh, nơi quan sát có nhiều hoạt động núi lửa, thậm chí khối mantle nhô cao, gần đới tách giãn biển Đôn. Bể Cửu Long, nơi có các thành tạo móng granite, cũng có thể có liên quan đến các phản ứng giải phóng hydrogen ở dưới sâu. Bể trầm tích liên quan đến thành tạo than ở một số khu vực cũng có khả năng hấp thụ khí hydrogen. Ngoài ra, qua quan sát một số khu vực như Ninh Thuận, Vĩnh Hy, Cổ Định - Thanh Hóa và một số khu vực miền Trung cho thấy có thể khai thác hydrogen tự nhiên.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng ứng dụng sản xuất hydrogen từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, giá điện và chi phí đầu tư hệ thống điện phân nước chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất hydrogen từ năng lượng tái tạo. Nếu giá điện, chi phí đầu tư giảm mạnh, thì giá thành sản xuất hydrogen xanh đến năm 2030 sẽ giảm mạnh (khoảng hơn 50%). Ngoài ra, các yếu tố khác như hiệu suất, tuổi thọ thiết bị, số giờ vận hành tăng lên sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất. Theo đó, giá hydrogen xanh có thể giảm xuống 2 USD/kg vào năm 2030, 1 USD/kg vào năm 2050 và có thể cạnh tranh được hydrogen truyền thống, khí tự nhiên.

Tại tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn The Green Solutions hiện đang tiến hành triển khai Dự án Nhà máy sản xuất khí hydrogen xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải theo công nghệ điện phân kiềm. Nguyên liệu đầu vào của Dự án là điện năng tiêu thụ 4.940 MWh/ ngày; lượng nước tiêu thụ 3.000 m3 H2 0/ngày. Sản phẩm đầu ra của Dự án nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo và châu Âu. Hay Nhà máy sản xuất hydrogen xanh Bến Tre do Công ty TNHH TGS Green Hydrogen (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo dự kiến, Nhà máy sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm vào quý I/2024. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 19.500 tỷ đồng. Nếu đúng tiến độ, đây sẽ là nhà máy hydrogen xanh đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2022, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và các đối tác đã có đề xuất triển khai siêu Dự án sản xuất điện tái tạo và hydrogen ở Quảng Trị với quy mô 7,5 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Dự án được kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Khai thác hiệu quả Hydrogen xanh tại Việt Nam

Việt Nam đang xây dựng các chính sách, quy định, hướng dẫn cho phát triển hydrogen xanh; đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng hydrogen xanh; phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn trong sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydrogen; áp dụng thuế CO2 đối với các nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo hydrogen sạch có thể cạnh tranh được với nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan xem xét ưu tiên triển khai hoạt động khoa học và công nghệ với cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong chuỗi giá trị của hydrogen xanh và các nhiệm vụ cụ thể trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan đến phát triển hydrogen xanh. Kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ khoa học, công nghệ này sẽ cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng, để phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam.

Lồng ghép các nội dung liên quan đến hydrogen xanh trong hoạt động thông tin và truyền thông về môi trường, năng lượng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam. Bổ sung hợp lý khối lượng và nội dung đào tạo, hình thức đào tạo về hydrogen xanh trong các chương trình đào tạo. Tăng cường chia sẻ, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để kế thừa các thành quả nghiên cứu, hỗ trợ quốc tế trong nhiệm vụ, dự án phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam. Trong đó, những đối tác phù hợp đến từ quốc gia, nền kinh tế là Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ôxtrâylia…

Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực hydrogen xanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2030 hay dự án sản xuất hydrogen xanh, cần nghiên cứu đánh giá trên cơ sở, tiêu chí kinh tế - kỹ thuật hợp lý: Nhu cầu sản phẩm và khoảng cách đến nơi sử dụng sản phẩm; sự sẵn sàng về phát triển hạ tầng lưu trữ, vận chuyển; chi phí mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo dư thừa; công nghệ sản xuất với nguồn nước cấp đủ về khối lượng, ổn định về lưu lượng và chất lượng; ưu đãi đầu tư (nếu có) của chính quyền địa phương.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc