Tin mới

Một bước tiến lớn để chấm dứt ô nhiễm nhựa

09:12, 04/06/2023

“Chúng ta có mặt tại Paris vì nền kinh tế nhựa tuyến tính đang gây ra nhiều ô nhiễm. Hệ sinh thái bị nghẹt thở, khí hậu bị làm nóng và sức khỏe của chúng ta đang bị đe dọa. Đây được gọi là cuộc khủng hoảng môi trường thứ 3 trên hành tinh, sau khủng hoảng Biến đổi khí hậu và Đa dạng sinh học”.  Bà Inger Andersen- Phó tổng thư ký liên hiệp quốc, kiêm Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hiệp quốc đã mở đầu kỳ bài phát biểu trong kỳ họp thứ 2, của UB đàm phán liên Chính phủ về ô nhiễm nhựa như vậy.

Theo tính toán của Tổ chức môi trường liên hiệp quốc, với những cam kết hiện tại, ô nhiễm nhựa sẽ chỉ giảm khoảng 8% vào năm 2040. Song, để tránh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho thế giới chúng ta cần cắt giảm nhiều hơn thế. Tại kỳ họp thứ 2, của UB đàm phán liên Chính phủ về ô nhiễm nhựa  (INC-2), thế giới đang tiến đến mục tiêu cắt giảm nhựa hiệu quả hơn, khi thực hiện đồng bộ 3 giải pháp: loại bỏ dần, giảm thiểu và tái chế nhựa.

Thực tế, chúng ta không thể chỉ tái chế mà thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nhựa hiện nay. Cơ sở hạ tầng tái chế không thể đối phó với khối lượng nhựa khổng lồ. Ô nhiễm nhựa như dòng thác quá lớn đang chảy vào môi trường, trong khi hệ thống tái chế như những chiếc ao nhỏ, chỉ thu được một phần dòng chảy để tái chế.

Chỉ có kiên quyết loại bỏ nhựa không cần thiết, thiết kế lại các sản phẩm sử dụng hoàn toàn bằng nhựa tái chế thay vì nhựa nguyên sinh. Sự chuyển đổi hoàn toàn như vậy, sẽ làm giảm sự phụ thuộc quá mức của xã hội vào nhựa. Thay đổi sẽ tạo ra những mô hình kinh doanh mới vừa có lợi nhuận, vừa chống lại ô nhiễm. Và kỳ họp thứ 2, của UB đàm phán liên Chính phủ về ô nhiễm nhựa là cơ hội để thế giời cùng nhau thiết kế lại.

Thiết kế lại các sản phẩm sử dụng ít nhựa hơn

Có thực sự cần nhựa siêu nhỏ và nano trong rất nhiều sản phẩm vệ sinh và làm đẹp không? Dầu gội đầu, xà phòng và chất tẩy rửa có nhất thiết phải được hóa lỏng và giao trong hộp nhựa không? Vì như vậy là chúng ta đang vận chuyển nước trên toàn cầu. Thay vào đó, tại sao không vận chuyển các sản phẩm rắn hoặc bột khô hoặc dạng nén? Đối với bao bì giấy tái chế, vật liệu có thể phân hủy và các lựa chọn hữu cơ khác – có thể được triển khai trong bao bì không?

Thiết kế lại bao bì sản phẩm và vận chuyển sản phẩm sử dụng ít nhựa hơn.

Chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta từng đặt mua một mặt hàng nhỏ, nhưng được giao trong một chiếc hộp khổng lồ có bọc bong bóng và chặt chẽ đến mức phải mất hai mươi phút dùng kéo để lấy ra. Số lượng bao bì đó có cần thiết không? Bao bì có phải bằng nhựa không? Và khi chúng ta áp dụng cách tiếp cận đó đối với lĩnh vực vận chuyển container, làm thế nào chúng ta có thể giảm nhựa trong vận chuyển? Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi thiết kế của chính sản phẩm hoặc cách chúng ta vận chuyển nó để nó không cần quá nhiều ni lông bảo vệ?

Thiết kế lại hệ thống và sản phẩm để tái sử dụng và tái chế.

Luật pháp và các chính sách khuyến khích nào có thể giúp triển khai, mở rộng các chương trình tái sử dụng? Chẳng hạn như chai có thể nạp lại vào một cái máy phân phối lớn và tích hợp hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng? Làm thế nào có thể đưa ra các hướng dẫn thiết kế để làm cho sản phẩm dễ sửa chữa hơn và bất kỳ loại nhựa nào được sử dụng đều có thể tái chế dễ dàng hơn? Chúng ta phải tác động bằng chính sách để thay đổi sự vô lý rằng, polyme được khai thác từ lòng đất lại rẻ hơn polyme tái chế? Việc này sẽ khó khuyến kích được người ta tái chế.

Thiết kế lại hệ thống quản lý rộng lớn hơn.

Thiết kế lại hệ thống quản lý chất thải và triển khai các kế hoạch Mở rộng Trách nhiệm của Nhà sản xuất. Chúng ta thiết kế lại vì sự công bằng vì những người lao động trong khu vực rác thải phi chính thức và những người nhặt rác. Họ đang chiếm khoảng 20 triệu dân trên toàn thế giới. Chúng ta phải quan tâm tới tiếng nói của người dân bản địa và các cộng đồng bị thiệt thòi bởi rác. Những nhóm này xứng đáng được có việc làm bền vững; được có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận. 

Trung tâm Truyên thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc