Tin mới

Cần một cơ chế chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương sử dụng tài nguyên nước

14:43, 01/06/2023

Liên quan tới nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ĐBQH Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

ĐBQH Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

PV: Ngày 25/5, Chính phủ đã có Tờ trình báo cáo Quốc hội về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Chính phủ và Dự thảo Luật?

Ông Đỗ Đức Duy: Qua nghiên cứu hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho thấy, Chính phủ đã chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và xây dựng hồ sơ Dự án Luật rất đầy đủ, chi tiết, khoa học để trình Quốc hội. Trong đó, ngoài việc kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Tài nguyên nước năm 2012, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, chính sách mới theo hướng vừa tiếp cận với thông lệ quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bền vững tài nguyên nước phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước trong tình hình mới.

PV: Điều 4, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, ông đánh giá thế nào về quy định này?

Ông Đỗ Đức Duy: Tôi đánh giá cao và cơ bản thống nhất với những nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung về vấn đề này. Theo đó, đã bổ sung, làm rõ các nguyên tắc cơ bản, cũng như quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Ngoài việc bổ sung một số nội dung, phạm vi, đối tượng trong nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước, Dự thảo đã bổ sung quy định về bảo đảm an ninh nguồn nước (tại khoản 9 của Điều này) - đây là một yêu cầu cần thiết và cấp bách, không chỉ với mỗi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung, trong đó có an ninh nguồn nước.

PV: Dự thảo Luật cũng quy định các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo theo nguyên tắc kinh tế thị trường, ông đánh giá thế nào về các quy định này?

Ông Đỗ Đức Duy: Tôi cho rằng việc bổ sung các quy định trên đây là rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử của các tổ chức, cá nhân đối với tài nguyên nước - một trong các nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá hàng đầu của quốc gia (cùng với tài nguyên đất đai); từ đó, có tư duy và cách tiếp cận khoa học, phù hợp, thực tiễn về giá trị kinh tế của tài nguyên nước, cũng như việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiện, hiệu quả, an toàn, bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Đồng thời, là cơ sở để tính đúng, tính đủ chi phí tài nguyên nước trong giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường, tránh làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước; cũng như hạn chế rủi ro cho các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam khi hội nhập vào thị trường quốc tế, tránh trường hợp bị từ chối hoặc bị áp thêm các sắc thuế do vi phạm các quy định về sử dụng tài nguyên nước theo thông lệ quốc tế.

PV: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, dưới góc độ địa phương, theo ông, Dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định nào?

Ông Đỗ Đức Duy: Là địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nơi có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng thuộc nhóm đứng đầu cả nước, là nơi tạo ra nguồn sinh thủy rất lớn phục vụ cho đời sống, sản xuất của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước của quốc gia; trong khi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, khả năng bảo đảm các nguồn lực phục vụ quản lý, bảo vệ nguồn nước còn hạn chế. Chúng tôi mong muốn có cơ chế chia sẻ nguồn lực giữa các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, sử dụng nhiều tài nguyên nước với các địa phương miền núi - nơi tạo nguồn sinh thủy lớn, giúp các địa phương này có thêm nguồn lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, trọng trách quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy cho quốc gia.

Ngoài ra, với đặc điểm các hệ thống sông lớn của nước ta đều bắt nguồn từ nước ngoài (như sông Hồng ở phía Bắc và sông Cửu Long/Mê Kông ở phía Nam), do vậy cần bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách để tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia láng giềng và khu vực trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc