Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân. Đồng bằng sông Cửu Long cần phải phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.
Kích vào ảnh dưới để xem tài liệu:
Theo đó, nhu cầu về một trung tâm dữ liệu với thông tin đồng bộ, hiện đại, có thể cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho việc hoạch định chính sách phát triển theo phương châm “thuận thiên” là vấn đề cấp bách trong thời gian qua. Trung tâm dữ liệu ra đời nhằm phục vụ người dân có được thông tin để chủ động trong sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác giúp nhà khoa học có thể đưa ra các giải pháp, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, hữu ích đối với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL.
Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL được xây dựng với hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung trên nền tảng công nghệ hiện đại để tích hợp, chia sẻ dữ liệu liên ngành của vùng ĐBSCL và hướng tới mục tiêu đưa ĐBSCL thành “đồng bằng thông minh” trong tương lai.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc