Viễn thám

Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát đất nhiễm mặn

10:54, 12/05/2021
Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát hiện tượng nhiễm mặn đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là đề tài nghiên cứu quan trọng góp phần xác lập cơ sở khoa học và các phương pháp ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đề xuất quy trình giám sát đất nhiễm mặn trên cơ sở kết hợp tư liệu viễn thám.

Theo ông Hoàng Minh Hải, Chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích tình hình xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp bằng tư liệu viễn thám kết hợp với dữ liệu đo đạc trực tiếp tại một số vị trí ở khu vực nghiên cứu cho phép để đánh giá mức độ nhiễm mặn của đất sản xuất nông nghiệp ở một khu vực rộng lớn.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất quy trình giám sát nhiễm mặn đất sản xuất nông nghiệp bằng tư liệu viễn thám có sử dụng các số liệu thực địa về phổ phản xạ của các đối tượng tự nhiên và kết quả phân tích mẫu đất trong phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện cũng đã thực hiện phân tích các mẫu đất tại vị trí đo phổ phản xạ của đối tượng ở trong phòng thí nghiệm để xác định hàm lượng muối tại vị trí đó. Kết quả của quá trình này được thực hiện thông qua phân tích độ mặn của bộ mẫu đất và bộ khóa giải đoán ảnh.

1

Ảnh minh họa

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu để xây dựng bản đồ các chỉ số phục vụ công tác đánh giá xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp một cách gián tiếp; xây dựng bộ bản đồ hiện trạng xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp các thời kỳ năm 2016, 2018, 2020. Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh quang học Sentinel 2 và Landsat 8 với các mô hình hồi quy được xây dựng từ kênh cận hồng ngoại cho kết quả rất khả quan để xây dựng bản đồ thể hiện mức độ xâm nhập mặn.

Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được cơ sở khoa học và giải pháp công nghệ cho công tác quản lý, dự báo và ứng phó với hiện tượng đất nhiễm mặn ở Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học viễn thám, hệ thông tin địa lý và công nghệ thông tin trong nghiên cứu ứng dụng quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thông qua đề tài, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị với Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng các dự án sản xuất thử nghiệm để có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu này phục vụ rộng rãi cho các khu vực trên cả nước và nghiên cứu tự động hóa các quy trình xử lý tính toán để có thể cung cấp thông tin về mức độ xâm nhập mặn cho các khu vực bị ảnh hưởng theo ngày thu nhận của ảnh vệ tinh Sentinel 2 và Landsat 8.

Đồng thời, do tính chất là một nước có khí hậu nhiệt đới, quanh năm có nhiều mây dẫn đến hạn chế trong công tác dùng ảnh vệ tinh quang học để phục vụ xây dựng bản đồ thể hiện mức độ xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp, vì vậy cần tiếp tục phát triển nghiên cứu ứng dụng tư liệu ảnh vệ tinh Radar phục vụ công tác nghiên cứu về hiện tượng nhiễm mặn đất sản xuất nông nghiệp để bổ sung cho những ngày mà ảnh vệ tinh quang học không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Nguồn Báo TNMT