Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, tính pháp lý của văn bản quy phạm pháp lý cao nhất về viễn thám còn hạn chế do mới ở tầm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa xây dựng được Chỉ thị, Nghị định, Luật Viễn thám, do vậy hiệu quả thi hành pháp luật về viễn thám chưa cao, cơ chế gắn kết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thám các cấp, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng kế hoạch và các đề án, dự án về viễn thám chưa được coi trọng thi hành.
Bên cạnh đó, các quy định về quản lý, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu viễn thám chưa đảm bảo cho việc chia sẻ, dùng chung thông tin dữ liệu viễn thám, nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Đặc biệt là vẫn còn thiếu các chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động viễn thám, loại bỏ tình trạng khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám chồng chéo gây lãng phí đầu tư ngân sách.
|
Ảnh minh họa |
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhóm tác giả từ Cục Viễn thám quốc gia đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thám”. Sản phẩm của đề tài đã xây dựng được khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thám làm cơ sở áp dụng cho kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về viễn thám trong những năm tới.
Theo ông Trần Tuấn Đạt, Chủ nhiệm đề tài, sau khi triển khai nghiên cứu, đề tài đã tổng quan được hiện trạng hệ thống vệ tinh viễn thám bao gồm cả cấu phần trên không và cấu phần mặt đất, đánh giá được hiện trạng khai thác, ứng dụng viễn thám, xu hướng phát triển của lĩnh vực và xu thế chung trong quản lý nhà nước về viễn thám trên thế giới. Theo xu thế chung, các nước đang dần luật hóa để quản lý hoạt động viễn thám, quản lý hiệu quả sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực viễn thám, cung cấp khung pháp lý về thương mại hóa theo từng giai đoạn và đảm bảo tính sẵn có và liên tục của việc cung cấp dữ liệu.
Bên cạnh đó, đã nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám của các nước:Hoa kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan và các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có liên quan đến lĩnh vực viễn thám để làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách pháp luật không trái với điều ước quốc tế. Theo đó, các nước này đều quản lý các hoạt động viễn thám thông qua hoạt động phóng vệ tinh, điều khiển vệ tinh, hoạt động xây dựng và vận hành trạm thu nhận dữ liệu, trạm điều khiển, hoạt động cung cấp, xử lý, khai thác dữ liệu.
Đồng thời nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý nhà nước về viễn thám ở Việt Nam trước và sau khi phóng vệ tinh VNREDSat-1, xác định rõ những tồn tại trong việc thi hành pháp luật về lĩnh vực viễn thám.
Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh đánh giá: Kết quả của đề tài đã góp phần quan trọng làm cơ sở khoa học cho việc hệ thống hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám, xây dựng khung pháp lý chung về quản lý nhà nước về viễn thám. Đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn để xây dựng các cơ chế, thiết chế cần thiết để thực hiện quản lý Nhà nước, đảm bảo hoạt động viễn thám được diễn ra có trật tự, hiệu quả, đặc biệt có được những định hướng đúng đắn trong phát triển, ứng dụng công nghệ viễn thám trong các ngành có ứng dụng công nghệ này.
Nguồn Báo TN&MT