Viễn thám

Phim tài liệu: “Ứng dụng công nghệ trong giám sát, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển”

13:50, 17/01/2020
Phim tài liệu: “Ứng dụng công nghệ trong giám sát, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển” giới thiệu về các quy định, quy trình về giám sát, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển (Thông tư 33/2018/TT-BTNMT quy định về quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành); Tần suất sự cố tràn dầu trên biển xảy ra hằng năm; Công tác thông tin sự cố; Các công giám sát trong quá khứ, hiện tại và tương lai; Các công nghệ trong giám sát: ứng dụng công nghệ cao như sử dụng ảnh vệ tinh, các công nghệ xử lý ảnh, các phần mềm ứng dụng; Các công nghệ trong phòng ngừa; Các công nghệ trong khắc phục.
 

Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam đã thực sự hội nhập với kinh tế thế giới, là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng trưởng và phát triển toàn diện các ngành kinh tế của đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với các sự cố môi trường đặc biệt là ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu xảy ra. Theo một số thống kê của Việt nam thì trung bình một năm có khoảng 3 sự cố tràn dầu bao gồm cả sự cố xác định được nguồn gốc và không xác định nguồn gốc. Để khắc phục tình trạng này Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, tăng cường nguồn lực trang thiết bị và hợp tác Quốc tế để ứng phó với sự cố tràn dầu

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm dầu trên biển là một trong những vấn đề ô nhiễm biển nghiêm trọng đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Vấn đề ô nhiễm dầu trên biển Đông nói chung và ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Sự cố tràn dầu đang là mối hiểm họa tiềm tàng đối với các quốc gia ven biển. Tại nhiều vùng biển của các quốc gia có biển, hiện tượng “thủy triều đen” diễn ra phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như va chạm, tai nạn của các phương tiện vận tải thủy (đặc biệt là tàu chở dầu), sự cố giàn khoan, sự cố phun dầu do biến động địa chất, đổ trộm dầu thải trên biển...

Trong điểu kiện hiện nay ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám kết hợp với GIS phục vụ giám sát sự cố ô nhiễm dầu tràn luôn là một giải pháp hữu hiệu và khả thi. Tuy vậy, cần tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ mới, trao đổi dữ liệu viễn thám và chuyên đề với các tổ chức quốc tế của các nước có công nghệ viễn thám tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Italia, Nga… và liên hệ với Tổ chức Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA); Tổ chức Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) nhằm đảm bảo được tiếp nhận rộng rãi các dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ kịp thời nghiên cứu phát hiện nguyên nhân, vị trí và theo dõi diễn biến của sự cố tràn dầu ở biển nước ta.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu sử dụng các phương pháp khác như chụp ảnh máy bay, phương pháp LIDAR và phương pháp phân tích mẫu dầu để xác định rõ đối tượng gây ô nhiễm và có căn cứ đòi bồi thường.

Thực hiện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường