Tài nguyên nước

Chính sách nhà nước về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

09:58, 19/09/2022
Hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện dày hơn và ngày càng gay gắt hơn, tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, bao gồm đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông... Ðiển hình nhất khi nói về hệ luỵ mà tình hình hạn hán; xâm nhập mặn đã gây ra cho vùng ngọt là mùa khô 2015-2016 và 2019-2020. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành các chính sách cụ thể, chi tiết quy định về công tác phòng, chống khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn:
1


Luật tài nguyên nước 2012:
  • Chương V. Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra: gồm 6 điều (từ Điều 58 đến Điều 63)
Nội dung Chương này quy định về: trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại của nước do thiên tai gây ra; phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; phòng, chống xâm nhập mặn; phòng, chống sụt, lún đất; phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông

Quy hoạch trong lĩnh vực tài nguyên nước:

Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và của chính quyền địa phương các cấp: Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước; tổng hợp kết quả điều tra cơ bản, tình hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tổ chức quan trắc cảnh báo, dự báo về mưa, lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn;

Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

- Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 4/2/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường các nội dung:

+ Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy (kể cả dự báo 10 ngày, tháng, mùa) kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

+ Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước chống hạn cho hạ du.

- Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long

Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các nội dung:

+ Chỉ đạo tổ chức theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn;

+ Tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đề nghị tăng cường xả nước từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn để góp phần đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long trong trường hợp cần thiết và hiệu quả.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT