Báo cáo về dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục Môi trường cho biết: Mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm tăng diện tích, chất lượng và các dịch vụ sinh thái của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã và nguồn gen, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiểm được ưu tiên bảo vệ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang da dạng sinh học, các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, hình thành hệ thống các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng trên phạm vi toàn quốc. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cho phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo tồn và phát triển bền vững các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc để bảo vệ, bảo tồn, phát triển hài hòa với môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh mới.
Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường trên phạm vi cả nước có chất lượng tốt, trong lành và an toàn, các tác động xấu gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả; các di sản thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên quan trọng, đa dạng sinh học được gìn giữ và bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ góp ý vào 2 dự thảo Quy hoạch liên quan đến phân vùng bảo tồn đa dạng sinh học, các nội dung trong quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại,…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý các chuyên gia, nhà khoa học cho dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, đây là 2 Quy hoạch rất quan trọng trong việc đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong đó, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là quy hoạch môi trường mang tính tổng thể đầu tiên, được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý và xuất phát từ thực tiễn, thống nhất với các quy hoạch khác và định hướng phát triển của địa phương.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng Quy hoạch, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện dự thảo các Quy hoạch dựa trên các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Việc xây dựng quy hoạch phải theo đúng tinh thần của Luật BVMT 2020 và Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, đồng thời, phải phù hợp với các quy hoạch trong quy hoạch tổng thể quốc gia và cần có sự thống nhất, liên thông.
Theo Báo TNMT