Đo đạc, bản đồ

Thực trạng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở Việt Nam

08:37, 05/11/2020

 

Thực trạng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở Việt Nam được đánh giá thông qua việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; hiện trạng dữ liệu không gian địa lý và chuẩn dữ liệu và chuẩn dịch vụ.

 

Về chính sách pháp luật phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý

Hiện nay, chính sách pháp luật liên quan tới phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành đầy đủ.

Các quy định chung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được quy định cụ thể trong Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia như: xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; chính sách, nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam được quy định chi tiết tại Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, là cơ sở pháp lý để triển khai, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia ở Việt Nam.

Hiện trạng dữ liệu không gian địa lý

Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Nhiều năm qua, các Bộ, ngành nói chung và ngành tài nguyên và môi trường nói riêng đã tập trung đầu tư để xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ cho nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Về dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có:

Dữ liệu khung: trong 06 bộ dữ liệu khung[1], về cơ bản đã được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất. Đối với dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng theo tiến độ phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Dữ liệu chuyên ngành: trong các bộ dữ liệu chuyên ngành, theo phạm vi trách nhiệm xây dựng và quản lý của các Bộ, ngành là rất lớn[2], tuy nhiên các dữ liệu này được xây dựng theo các tiêu chuẩn dữ liệu không thống nhất, chưa đảm bảo để tích hợp, chia sẻ sử dụng chung trên Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Đối với dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương hiện chưa được triển khai xây dựng.

Về chuẩn dữ liệu và chuẩn dịch vụ

Để dữ liệu không gian địa lý được xây dựng đồng bộ, đảm bảo cho việc kết nối, tích hợp, truy cập, chia sẻ sử dụng chung, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu bao gồm: 31 Thông tư quy định kỹ thuật về dữ liệu cơ bản và chuyên ngành; 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở; 06 quy chuẩn quốc gia về dữ liệu không gian địa lý cơ bản và chuyên ngành; công bố 13 tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ cơ bản, 06 tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ chuyên ngành xây dựng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật hiện có về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu xây dựng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý, hiện đang được nghiên cứu xây dựng đồng thời với việc xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trên, việc xây Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 là hết sức cần thiết.