Lần đầu tiên được Luật hóa, Luật Đo đạc và bản đồ cơ bản đã giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo quản lý thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước; đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ kịp thời, đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương, yêu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân.
Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Ông Hoàng Ngọc Lâm – Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết: Qua gần 2 năm thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ. Đó là, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước; bước đầu đã hạn chế được việc chồng chéo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ đối với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã được quy định đầy đủ, rõ ràng trong Luật, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương để phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam cũng như xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (NSDI);
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, việc tập trung xây dựng để đưa vào vận hành NSDI là bước đột phá mạnh mẽ, tạo dựng một cơ chế xây dựng, quản lý, chia sẻ sử dụng chung dữ liệu không gian quốc gia, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực.
Ảnh minh họa
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần giải quyết trong thời gian tới.
Trước hết là, khó khăn trong việc tham mưu để tổ chức thực hiện: thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trên địa bàn cả nước trong tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường phần lớn không còn phòng tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ. Nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ còn một đến hai chuyên viên có chuyên môn về đo đạc và bản đồ. Chính điều này, là hạn chế lớn nhất trong việc tham mưu để tổ chức triển khai kế hoạch thi hành Luật Đo đạc và bản đồ tại địa phương.
Một số nhiệm vụ đã được phê duyệt, bắt đầu tổ chức triển khai công tác ngoại nghiệp nhưng đã gặp phải quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc di chuyển trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Trước tình hình kinh tế xã hội khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm triển khai của UBND cấp tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách để tổ chức triển khai theo đúng kế hoạch.
Trong thời gian tới đây, Cục sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên đây. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể những nội dung đã được luật hóa.