Các nhà địa chất thuộc Liên Đoàn Địa chất xạ - hiếm (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) khảo sát thực địa tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào năm 1994 |
Việt Nam thuộc nhóm có trữ lượng và tài nguyên bauxit, titan và urani lớn nhất thế giới
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nguyên, kết quả của 10 năm gần đây và bề dày lịch sử trong tìm kiếm tài nguyên 76 năm qua cho thấy, ngành Địa chất Việt Nam đã đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn trên toàn quốc, đưa Việt Nam trở thành nước có tiềm năng lớn về các loại khoáng sản như titan, bauxit, than, urani, đất hiếm, apatit, đá hoa trắng và cát trắng. Điều đó đã được chứng minh bằng những kết quả nổi bật của ngành Địa chất Việt Nam.
Đối với nhóm nhiên liệu, thành tựu xuất sắc của ngành là đã phát hiện và đưa vào thăm dò dầu khí ở đồng bằng Bắc Bộ, vịnh Bắc Bộ, dự báo tiềm năng dầu khí các bể trầm tích quan trọng của đất nước. Đây cũng là cơ sở để ngành Dầu khí Việt Nam tiếp tục phát triển. Sau năm 1955, ngành Địa chất đã tập trung vào việc điều tra, thăm dò mở rộng bể than Quảng Ninh và tất cả các cấu trúc chứa than trên toàn quốc. Kết quả dự báo trữ lượng và tài nguyên than đá của Việt Nam ở bể than Quảng Ninh tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Đối với nhóm khoáng sản kim loại, công tác điều tra, đánh giá nhóm khoáng sản kim loại đã phát hiện nhiều vùng mỏ có quy mô tài nguyên lớn như quặng đồng Sin Quyền, Lào Cai; quặng chì - kẽm Chợ Đồn - Chợ Điền, Bắc Kạn; quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; quặng đất hiếm tại Lai Châu, Lào Cai; quặng wolfram đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên. Trong những năm gần đây, Tổng cục đã tập trung tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng than nâu phần đất liền bể Sông Hồng và đã xác định được tài nguyên dự báo cho toàn bể than là hơn 212 tỉ tấn, trong đó đã xác định được tài nguyên dự tính trên diện tích 265km2 tại khu vực Đông Hưng - Tiền Hải, Thái Bình là 6,7 tỷ tấn cùng với các thông số kỹ thuật đảm bảo đủ cơ sở để thử nghiệm khai thác than bằng công nghệ khí hóa than ngầm trong tương lai; đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chì-kẽm đến độ sâu 500m; đã xác định được tổng thể tài nguyên dự tính cho bauxit Tây Nguyên là 1,8 tỷ tấn quặng tinh, cho quặng titan là 557 triệu tấn quặng tinh; đã điều tra, đánh giá tài nguyên urani và thăm dò xác định trữ lượng urani ở khu vực bồn trũng Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt nam cũng đã có những phát hiện mới về nguồn gốc và dự báo được triển vọng quặng wolfram (sheelit) quy mô lớn trên đới Sông Chảy, bước đầu đã xác định được tài nguyên quặng wolfram + thiếc tại khu vực Suối Ngần, huyện Vị Xuyên, Hà Giang là 61 ngàn tấn và hàng loạt các mỏ, điểm mỏ đang tiếp tục được điều tra, đánh giá tiềm năng.
Song song với công tác điều tra, đánh giá nhóm khoáng sản kim loại, ngay từ khi thành lập, ngành Địa chất đã tập trung điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản phi kim. Đến nay đã xác định được tổng tài nguyên, trữ lượng quặng apatit là 2,6 tỉ tấn quặng phân bố tại tỉnh Lào Cai; công tác đánh giá tiềm năng của đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng được thực hiện tại các khu vực thuộc tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hải Dương, Quảng Ninh đã xác định được tổng tài nguyên dự tính trên 40 tỷ tấn đá vôi và trên 7 tỷ tấn đá sét đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu lâu dài cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam; đã khoanh định, đánh giá tài nguyên hàng trăm mỏ kaolin, đất sét trắng, felspat, cát trắng, đôlômit, đá ốp lát trên cả nước đảm bảo khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho sự phát triển của ngành công nghiệp gốm sứ và vật liệu xây dựng.
Hoàn thành xuất sắc nhiều đề án
Để đạt được những thành tựu trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo Nghị quyết 02-NQ/TW về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để thể chế hóa, triển khai thực hiện toàn diện và đồng bộ công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Nhờ đó hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường; công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được chú trọng và thực hiện hiệu quả, góp phần gia tăng tài nguyên, trữ lượng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng khoáng sản trong nước, tăng dự trữ khoáng sản quốc gia và một phần xuất khẩu.
Theo ông Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 02-NQ/TW, đặc biệt đối với công tác điều tra, đánh giá tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn như chì, kẽm, đồng, thiếc, vàng, sắt, than, bauxit, đất hiếm, urani, cát thủy tinh, đá hoa trắng, từ năm 2012 đến năm 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành nhiều đề án đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản.
Công tác chuẩn bị thi công lỗ khoan Đề án thành phần “Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng đất hiếm và khoáng sản đi kèm (Urani, Thori) khu vực Tây Bắc” tháng 6/2021 |
Các đề án đó gồm: Điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan – zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu; Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bauxit, quặng sắt laterit miền nam Việt Nam; Điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền, bể Sông Hồng; Đánh giá tiềm năng quặng urani khu Khe Lốt, tỉnh Quảng Nam; Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa-Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng chì kẽm.
Bên cạnh đó, những đề án đang triển khai đã có những kết quả nổi bật về tiềm năng khoáng sản đối với một số khoáng sản quan trọng, chiến lược như: đất hiếm, vàng, đồng, thiếc, đá hoa trắng, cát thủy tinh. Điển hình là các đề án: Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội; Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng miền Bắc Việt Nam; Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Qua những kết quả nêu trên, có thể nhận thấy, trong suốt chặng đường 76 xây dựng và phát triển, công tác điều tra cơ bản được triển khai có hệ thống trở thành căn cứ quan trọng để xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch về khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Ngành Địa chất Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Báo TNMTNgày 2/10/1945, Chính phủ đã thành lập Nha Kỹ nghệ trong cơ cấu của Bộ Quốc dân Kinh tế, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công Thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Địa chất Việt Nam. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc lấy ngày 2/10 hàng năm là ngày truyền thống ngành Địa chất Việt Nam. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thay đổi về tổ chức nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói riêng, ngành Địa chất Việt Nam nói chung vẫn luôn phát huy được truyền thống và tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới. Trong đó, công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh.