Địa chất khoáng sản

Trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Nghị định "Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt"

12:34, 28/04/2020

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ trì, hoàn thành hồ sơ xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt" gửi Bộ Tư pháp thẩm định và hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, thông qua.

 

Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT trân trọng giới thiệu các nội dung chính của Đề nghị này gồm: sự cần thiết ban hành Nghị định; mục đích, quan điểm xây dựng Nghị định; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản; dự kiến các nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thực thi văn bản sau khi được thông qua; thời gian dự kiến trình thông qua văn bản.

Về sự cần thiết ban hành Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, các cơ sở thực tiễn của việc ban hành Nghị định xuất phát từ thực tiễn công tác khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; nhu cầu thực tiễn triển khai các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Chi tiết nội dung về sự cần thiết ban hành Nghị định xem tại đây.

Về cơ sở pháp lý

Trước yêu cầu thực tế nêu trên, để đủ cơ sở pháp lý vừa quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia cần thiết phải ban hành Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt” với mục tiêu sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực tài nguyên đất và khoáng sản.

Căn cứ Điều 80 Luật Khoáng sản quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản”, Điều 86 của Luật này quy định“Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”. Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu Chính phủ ban hành nghị định để quy định “...các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ…”. Như vậy, việc đề nghị Chính phủ xem xét cho phép xây dựng để ban hành Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt” là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ.

Về mục đích xây dựng Nghị định: (i) Xác lập cơ sở pháp lý để quyết định đầu tư dự án phát triển trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nhằm phát huy tối đa các nguồn lực tài nguyên để phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. (ii) Xác lập cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích); quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án trên mặt.

Về quan điểm xây dựng Nghị định đảm bảo các nguyên tắc: Thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ là toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và thống nhất, phân công cụ thể theo trách nhiệm cho từng Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, trong đó có các nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia.

Nội dung công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương đối với khu vực có khoáng sản dự trữ phải gắn với trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ quốc gia, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực có khoáng sản dự trữ, thống nhất từ khi lập quy hoạch, chủ trương phát triển các dự án trên mặt đến việc điều chỉnh, bổ sung các khu vực dự trữ khoáng sản.

Do vậy, các yêu cầu của Nghị định bảo đảm: Thứ nhất, phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý các hoạt động liên quan đến bảo vệ khoáng sản dự trữ quốc gia, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên đất, khoáng sản để phát triển kinh tế-xã hội. Thứ hai, nội dung Nghị định không trái với quy định của Luật khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và các Luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý toàn diện của Chính phủ; không chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; Thứ ba, các quy định trong các điều, khoản của Nghị định phải rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu cho mọi đối tượng khi áp dụng; đảm bảo tính hợp lý, thống nhất giữa các điều, khoản của Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với hoạt động thực tế, có tính khả thi.

Về phạm vi điều chính

Nghị định này quy định về cơ sở pháp lý để triển khai các dự án trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thời gian dự trữ; điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; yêu cầu, điều kiện đầu tư các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư khi triển khai các dự án phát triển trên mặt; trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có dự án phát triển trên mặt.

Về đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; cơ quan nhà nước có liên quan; tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án phát triển trên mặt trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Về các nội dung chính sách và giải pháp thực hiện trong Đề nghị xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan và dự kiến một số chính sách cần thể chế hóa trong nội dung Nghị định như sau:

Một là: Xác lập cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án phát triển trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, đầu tư, đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Hai là: Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia phải đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản trong từng thời kỳ, đồng thời để phát triển các dự án trên mặt, nhằm phát huy hiệu quả, tối đa các nguồn lực tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là: Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích dự trữ) phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang triển khai dự án phát triển trên mặt.

Bốn là: Triển khai các dự án phát triển trên mặt phải đáp ứng yêu cầu, quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có liên quan.

Năm là: Quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển trên mặt; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.

Chi tiết một số chính sách cần thể chế hóa trong nội dung Nghị định xem tại đây.

Về nguồn lực thực hiện

Nguồn nhân lực để bảo đảm cho việc thi hành Nghị định sau khi được thông qua là lực lượng cán bộ, công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản hiện có của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan.

Về thời gian thực hiện

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về đề nghị xem xét, ban hành Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt, làm cơ sở để điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trước yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhu cầu cấp bách của các địa phương để triển khai các dự án trên mặt như đã nêu trên cần sớm ban hành Nghị định trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương hoàn thành nội dung dự thảo Nghị định ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thông qua các chính sách và hoàn thiện dự thảo Nghị định, lấy ý kiến các Bộ, ngành địa phương và gửi Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 5 năm 2020.

Sau khi dự thảo Nghị định được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho phép ban hành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định, sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

CTTĐT