Lĩnh vực chuyên ngành

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Bài 2: Quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa thế nào với phát triển bền vững?

15:52, 27/09/2021
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu sẽ trở thành thảm họa đe dọa tới sự tồn tại, phát triển của nhân loại trên Trái đất nếu ngay từ bây giờ nếu không có các giải pháp ứng phó hiệu quả tới các hiện tượng suy kiệt nguồn nước ngầm, thay đổi lượng mưa, nhiệt độ tăng và tần suất các hiện tượng cực đoan làm gia tăng sức ép lên hệ thống đất đai dẫn tới nguy cơ cao bị sụt lún, sạt lở đất...
Thách thức nghiêm trọng từ thiên taisuy thoái môi trườngbiến đổi khí hậu
Ảnh minh họa
Nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng chưa từng có của các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở đất, hoang mạc hóa, suy giảm diện tích rừng, đa dạng sinh học, khai thác quá mức tài nguyên, biến đổi khí hậu cực đoan đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, an ninh chính trị tạo ra căng thẳng, xung đột ở nhiều nơi trên phạm vi toàn cầu; đe dọa an ninh, an toàn và an sinh của người dân trên toàn thế giới.

Từ “Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường con người” tổ chức tại Stockholm năm 1972, tới “Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển” tổ chức tại Rio de Janneiro (Braxin) năm 1992, “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững” Rio+10 tổ chức tại Johannesburg năm 2002, “Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững” Rio+20 tổ chức tại Rio de Janneiro, các nước đã đạt được được đồng thuận về phát triển bền vững xác định trong Chương trình Nghị sự 21 là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, các lý thuyết về phát triển trên thế giới tập trung chủ yếu vào phục hồi kinh tế sau chiến tranh với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt lên hàng đầu. Sau hai cuộc khủng hoảng dầu khí 1973 - 1974 và 1982 - 1983, tăng trưởng kinh tế càng trở thành sức ép lớn đối với các nước chịu tác động nặng nề từ hai cuộc khủng hoảng năng lượng buộc phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng để thực hiện chương trình ổn định hóa và điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cho tới những năm 1980, các nước thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng đã buộc phải điều chỉnh chính sách để quan tâm tới vấn đề xã hội trong phát triển nhằm đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và chuyển hướng đầu tư công sang giáo dục và y tế để đảm bảo các mục tiêu phát triển xã hội. Phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội bắt đầu phổ biến ở các quốc gia.

Nội hàm về phát triển bền vững được khẳng định ở Hội nghị Rio 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg 2002, không chỉ bao gồm cột trụ kinh tế và xã hội mà còn phải bao hàm cột trụ thứ ba đó là môi trường. “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 cột trụ của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế bao hàm cả chất lượng tăng trưởng), phát triển xã hội (nhất là phát triển cả thể chất và tinh thần của con người thông qua cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục để đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là ứng phó biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua  xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Chính vì vậy, quy hoạch tích hợp sử dụng đất theo phương pháp tiếp cận cảnh quan hệ sinh thái phải tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững phải gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế và xã hội, dựa trên các thành tựu phát triển tiên tiến nhất của nhân loại về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để hình thành các trung tâm đô thị thông minh sầm uất trong tương lai.

Từ kinh tế xanh đến kinh tế tuần hoàn

Tuyên bố chung đưa ra nhiều cách thức, quan điểm, mô hình và công cụ để mỗi quốc gia đạt được phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh là một trong những công cụ quan trọng được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản của Rio, Chương trình Nghị sự 21 và đóng góp cho đạt được mục tiêu thiên niên kỷ.
 Ảnh minh họa

Chiến lược EU 2020 định hình một mô hình kinh tế thị trường xã hội hiện đại của châu Âu với ba ưu tiên có quan hệ bổ sung cho nhau: (Tăng trưởng thông minh: phát triển kinh tế dựa vào tri thức và nghiên cứu đột phá cải tiến công nghệ; Tăng trưởng bền vững: thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên, xanh hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn; Tăng trưởng bình đẳng: khuyến khích nền kinh tế với nhiều công ăn việc làm, tạo ra sự gắn bó trong xã hội và bình đẳng giữa các vùng miền.

Theo định nghĩa của EU, tăng trưởng xanh là xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tận dụng vị thế tiên phong của châu Âu trong công cuộc phát triển những quy trình, công nghệ mới, bao gồm công nghệ xanh, áp dụng sâu rộng lưới điện thông minh sử dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng lưới toàn EU và củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kinh doanh cũng như hỗ trợ khách hàng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên.

Điểm khởi đầu của việc tiếp cận kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Hà Lan bắt đầu từ năm 1979 khi đề xuất chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải của Ad Lansink được Quốc hội thông qua. Theo đó, đề xuất này cung cấp một hệ thống phân cấp trong phương pháp quản lý chất thải (còn được gọi là “thang Lansink”), ưu tiên ngăn ngừa và hạn chế phát sinh chất thải, thúc đẩy tái sử dụng và tái chế, sau đó là việc xử lý rác bằng phương pháp đốt trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là chôn lấp (Cramer, 2014).

Phải mất 10 năm trước khi các chính sách về phòng ngừa và tái sử dụng chất thải mới được xây dựng. Năm 1990, 30 nguồn chất thải ưu tiên được lựa chọn để triển khai những chương trình xử lý chất thải đầy tham vọng. Những nguồn chất thải này bao gồm từ lốp xe, pin, bao bì đến dầu đã qua sử dụng. Cách tiếp cận mới này của Hà Lan đã kích hoạt việc ngăn chặn, tái sử dụng và tái chế các dòng chất thải một cách rất hiệu quả. Đồng thời, một ngành công nghiệp môi trường mới đã ra đời dựa trên sự phát triển của tất cả các loại công nghệ quản lý và tái chế chất thải.

Sau khi EU ban hành “Gói chính sách kinh tế tuần hoàn” vào năm 2015,  Hà Lan chính thức triển khai chương trình đồng bộ để phát triển một nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, hướng đến đưa Hà Lan trở thành một đất nước tuần hoàn vào năm 2050. Tham vọng của chính phủ Hà Lan, cùng với đó là các bên liên quan, nhằm hướng đến mục tiêu (tạm thời) giảm 50% việc sử dụng nguyên liệu thô (khoáng sản, hóa thạch và kim loại) vào năm 2030. Chương trình này bao gồm các mục tiêu hiện tại và thiết lập một kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo đến năm 2050. Trong đó, vai trò của Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trong việc thiết lập các hành động trong quá trình chuyển đổi nhằm đạt được mục tiêu này. Ngoài vai trò là cơ quan quản lý thị trường và đối tác kết nối, Chính phủ Hà Lan chủ động thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, hướng đến những triển vọng đầy hứa hẹn và dựa trên một cách tiếp cận hệ thống. Trong đó, Hà Lan đặt trọng tâm vào việc xây dựng lộ trình thực hiện, về công tác quản lý và trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.

Đô thị thông minh là đô thị mà yếu tố kĩ thuât số (yếu tố ảo), công nghệ 4.0 được ứng dụng ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Cách mạng công nghiệp 4.0 là khái niệm được Klaus Schwab đưa ra để chỉ một nền sản xuất dựa trên nền tảng mạng kết nối ảo, kỹ thuật số. Cốt lõi của nó bao gồm những ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông (ICT) như: đám mây (Cloud), di động (Mobile), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Đây là những giải pháp công nghệ kết nối vạn vật đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng với tốc độ nhanh nhất có thể, tương đương tốc độ ánh sáng.

Về kinh tế, công nghệ 4.0 đưa ra hàng loạt những sản phẩm mới, phi vật thể, do đó có thể tăng trưởng rất nhanh và vô hạn, do không bị hạn chế về không gian, vật chất cũng như tốc độ sản xuất. Về xã hội, công nghệ 4.0 tiếp tục con đường giải phóng con người khỏi dây chuyền sản xuất công nghiệp, tạo ra cho con người một cơ hội phát triển lên những tầng cao hơn trong chuỗi thang giá trị, bằng cách cung cấp rất nhiều loại thông tin, tri thức trong quá trình học suốt đời. Con người có thể hình dung ra mình sẽ sử dụng thời gian có được như thế nào một cách hữu ích. Về môi trường: Công nghệ 4.0 với những sản phẩm phi vật thể, tập trung chủ yếu vào dịch vụ là hình thức cho phép phát triển kinh tế rất mạnh mà không nhất thiết sử dụng tài nguyên phải ảnh hưởng đến môi trường.

Bài 3: Quy hoạch sử dụng đất theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dựa trên hệ sinh thái


Theo Báo Tài nguyên và Môi trường