Tuyên truyền sửa Luật Tài nguyên nước

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất bảo đảm an ninh nguồn nước

08:35, 18/08/2022

Tham dự cuộc họp có đại diện cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học cùng các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

20220817-luat-tnn_3.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp với Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, phạm vi quản lý rất rộng và là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển của đất nước. Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện, đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn. Bên cạnh đó, có nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác và giao thoa trong quá trình tổ chức thực hiện; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất… Từ thực tế đó, đó đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012.

20220817-luat-tnn_1.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thành, tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua là Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu tham dự cuộc họp căn cứ trên điều kiện thực tiễn sẽ đánh giá, đưa ra các quan điểm, tư duy nguyên tắc, góp ý, bổ sung cho cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tháo gỡ những xung đột, vướng mắc của các chính sách, thống nhất được các tuy duy mới để Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đáp ứng được tình hình thực tiễn trong tương lai.

Bổ sung nhiều điểm mới và định hướng xây dựng dự thảo Luật

Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước chia sẻ về một số điểm mới và định hướng xây dựng dự thảo Luật.

20220817-luat-tnn_4.jpg
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, Dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước. Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời, giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các Luật.

Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.

Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của Nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng Nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm;

Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó, quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Với quan điểm là phát triển kinh tế gắn liền với việc ’’đầu tư lại’’ trong công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, cải tạo cảnh quan, bảo tồn giá trị của hệ sinh thái liên quan đến nước.

Chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước.

Bổ sung quy định về đối tượng và nội dung về thu trữ nước mưa và việc sử dụng nước mưa tại các khu vực thường xuyên hạn hán thiếu nước và vùng thường xuyên ngập lụt; quy định cơ chế, chính sách trong việc thu trữ nước mưa.

20220817_luat-tnn_toan-canh.jpg

Bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông,…;

Bổ sung quy định về phân vùng chức năng nguồn nước; quy định nội dung giám sát, trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ đảm bảo giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình... nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông.

Bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,…tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực.

Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: Hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước; bảo vệ nước dưới đất; các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ; phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên nước

Tại cuộc họp, các đại biểu nhận định, lĩnh vực tài nguyên nước bao trùm nhiều địa phương, ngành nghề và thành phần trong xã hội, đồng thời, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã bước đầu hoàn thành dự thảo Luật. Để hoàn thiện hơn nữa dự án Luật, các đại biểu đưa ra những ý kiến để nhìn nhận những vấn đề còn chồng chéo trong chính sách liên quan đến tài nguyên nước; vấn đề quản lý phát triển và bảo vệ nguồn nước; vấn đề ô nhiễm nguồn nước; vấn đề an ninh nguồn nước; đảm bảo quyền lợi cho người dân được tiếp cận nguồn nước sạch; các doanh nghiệp khai thác sử dụng nguồn nước được công bằng và thực hiện theo đúng quy định pháp luật; vấn đề quản lý hài hòa giữa các ngành kinh tế có sử dụng tài nguyên nước… Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ các nội dung được nêu lên, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia từng nội dung cụ thể từ đó đưa ra giải pháp và hoàn chỉnh dự án Luật.

20220817-luat-tnn_5.jpg
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cụ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Do đó, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu thực tiễn của tài nguyên nước hiện nay, từ đó, đưa ra các quan điểm để giải quyết những chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác, thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng từ Trung ương đến địa phương.

bt-phat-kieu-kl.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp

Tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các quy định về quản lý nước trong Luật Tài nguyên nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước đặt ra của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Theo Báo TNMT