Tiếp và làm việc với Đoàn công tác tại Cộng hòa Pháp có Thượng nghị sĩ Catherine Deroche, Chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp - Việt; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; và các Thượng nghị sĩ, các thành viên nhóm hữu nghị Pháp - Việt.
Buổi gặp gỡ được diễn ra trong không khí thân mật, hữu nghị tại trụ sở của Thượng viện Pháp tại Cung điện Luxembourg (Palais du Luxembourg) nơi có lịch sử văn hóa lâu đời được xây dựng từ năm 1651.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thượng nghị sĩ Catherine Deroche bày tỏ cám ơn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã giúp kết nối, hỗ trợ buổi gặp gỡ giữa các Thượng nghị sĩ và nhóm hữu nghị Pháp - Việt với Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, bà Catherine Deroche cũng mong muốn, trong thời gian hai Bên sẽ tiếp tục hợp tác, gắn kết bền chặt, triển khai nhiều nội dung liên quan đến việc xây dựng các chính sách về quản lý tài nguyên nước.
Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, đây là buổi gặp mặt đầy xúc động và có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần vun đắp, gắn kết mối quan hệ lâu dài giữa Việt Nam và Pháp về lịch sử, văn hóa. Trải qua các giai đoạn lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến sâu rộng và ngày càng phát triển toàn diện. Cộng hòa Pháp là một trong những quốc gia có thể chế về quản lý lưu vực sông tiến bộ, đặc biệt các khung thể chế dân chủ hỗ trợ cho việc thành lập, hoạt động hiệu quả của các Ủy ban lưu vực sông. Đến nay, Thế giới đều công nhận mô hình mô hình quản lý lưu vực sông của Pháp là một trong những mô hình quản lý tốt, áp dụng phương pháp tiếp cận quản lý tài nguyên nước tổng hợp.
Tại buổi gặp mặt, các thượng nghị sĩ cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các bộ Luật liên quan đến tài nguyên nước của Pháp, cụ thể: Luật số 64-1245 (được phê duyệt năm 1964) đã đặt nền móng đầu tiên cho các chính sách về quản lý tài nguyên nước.
Luật số 93- 3 (được phê duyệt năm 1992) về quản lý tài nguyên nước đã xác định rõ phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước, theo đó Pháp xem tài nguyên nước là di sản của quốc gia, cần được bảo vệ, quản lý hiệu quả.
Luật số 2004- 338 (được phê duyệt năm 2004) quy định về việc tích hợp các quy định của Chỉ thị Khung 2000/60/CE. Theo đó, đặt ra khái niệm “Tình trạng nước tốt” như là một tầm nhìn chung không chỉ của Pháp mà để các quốc gia Châu Âu hướng đến.
Luật số 2006 -1772 (được phê duyệt năm 2006) về nước và môi trường thủy sinh, tại Bộ luật này cũng đã quy định rõ các công cụ kinh tế như là “đòn bẩy” cho việc quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững theo tiêu chí “người sử dụng trả tiền” (user pays) và “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (polluter pays).
Ông Bruno Sido, Thượng nghị sĩ của Haute Marne (Pháp), thành viên tổ soạn thảo cho Luật 2006-1772 của Pháp cho rằng, các vấn đề về tài nguyên nước mà Việt Nam đang đối mặt hiện nay cũng là các vấn đề mà nước Pháp cũng đã từng gặp phải. Trong quá trình xây dựng Luật 2006-1772, các thành viên thực hiện cũng phải rà soát, đánh giá lại các khó khăn, thách thức về quản lý tài nguyên nước mà Pháp. Trên cơ sở này, các Bên đã cùng trao đổi, thảo luận, cùng nhau xây dựng các công cụ kinh tế giúp quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, đã xây dựng được cơ sở pháp lý vững chắc về kinh tế tài nguyên nước và tài chính ngành nước, đảm bảo theo đúng nguyên tắc “người sử dụng trả tiền” (user pays) và “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (polluter pays); đổi mới công tác quản lý lưu vực; đặt ra các quy chuẩn chặt chẽ hơn đối với thủy sản; các quy định liên quan đến phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu;... Ông Bruno Sido cũng chia sẻ, tại thời điểm xây dựng bộ Luật 2006-1772 (năm 2006) Pháp đã nhận thức được các tác động của biến đổi khí hậu và đã có các giải pháp về chính sách từ rất sớm cho nội dung này.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn những chia sẻ hữu ích từ các Thượng nghị sĩ và nhóm hữu nghị Pháp - Việt. Đồng thời, bày tỏ ấn tượng về quá trình xây dựng các nền tảng thể chế vững chắc cho phương pháp tiếp cận quản lý tài nguyên nước tổng hợp của Pháp từ năm 1994 đến nay, cụ thể là phương pháp tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông và đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần liên quan trong quá trình quản lý tài nguyên nước.
Tại buổi gặp mặt, các Thượng nghị sĩ cũng đã có những chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận quản lý tài nguyên nước tổng hợp theo lãnh thổ (Territorial intergrated water management) và các nội dung liên quan.
Đồng thời, cũng tại buổi gặp mặt, hai Bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi, kết nối thông qua AFD để các cơ quan Pháp có thể đồng hành hỗ trợ Việt Nam trong thời gian sắp tới về công tác quản lý tài nguyên nước, trước mắt là các hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Luật tài nguyên nước (sửa đổi) tại Việt Nam.
Theo Báo TNMT