Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức vào chiều 28/6 tại Hà Nội.
Xây dựng, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước trên mục tiêu cơ bản
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Sớm nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật với Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật.
Thực tế đòi hỏi chúng ta cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước trên một số nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu cơ bản.
Theo đó, thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, lưu vực.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, kế thừa các nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì cần đề xuất ngay để quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao, có thể đề xuất thực hiện thí điểm.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái; phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
WB cam kết hợp tác với Việt Nam giải quyết thách thức về nước
Một trong những vấn đề được các đại biểu đề cập đến nhiều tại hội thảo là thách thức về nước. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam đã xây dựng một khuôn khổ pháp lý và chính sách toàn diện để quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên các lưu vực sông, đặc biệt là thông qua Luật Tài nguyên nước 2012 và các công cụ pháp lý hỗ trợ. Mặc dù, khuôn khổ này đã góp phần định hình cơ hội phát triển của đất nước, nhưng có một số mối đe dọa gia tăng đang gây áp lực lên nguồn tài nguyên nước, gây ra căng thẳng về kinh tế, xã hội và môi trường. Biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro, gây nguy hiểm cho các khoản lợi nhuận và đầu tư trong quá khứ.
Theo bà, một trong những thách thức chính liên quan đến nước là “quá ít” - Việt Nam đang phải đối mặt với căng thẳng về nước ở các lưu vực sông quan trọng đóng góp 80% GDP của cả nước và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu các hành động thích hợp không được thực hiện. Cạnh tranh về tài nguyên nước càng trở nên trầm trọng hơn do năng suất sử dụng nước thấp trong các lĩnh vực sử dụng nước chính, và đặc biệt là nông nghiệp tưới tiêu.
“Quá bẩn” cũng là thách thức lớn liên quan đến nước. Cụ thể, ô nhiễm là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế quốc gia, với tác động đến sức khỏe con người ước tính làm giảm GDP 3,5% vào năm 2035 nếu không có hành động nào. Phần lớn nước thải của Việt Nam vẫn chưa được xử lý trước khi thải vào các vùng nước - hiện chỉ có khoảng 50% hộ gia đình thành thị có kết nối với hệ thống thoát nước và chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý. Ô nhiễm công nghiệp và nông nghiệp cũng là những nguyên nhân chính làm gia tăng các vấn đề về chất lượng nước.
“Quá nhiều” cũng là thách thức được bà Carolyn Turk đề cập đến. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ chịu rủi ro nhất ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, và biến đổi khí hậu đang làm tăng rủi ro và chi phí do hạn hán và lũ lụt. Các mối đe dọa khác bao gồm dòng chảy môi trường bị thu hẹp và việc khai thác nước ngầm không được kiểm soát dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn và sụt lún đất - tất cả đều có khả năng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Theo phân tích gần đây của WB, mức độ gia tăng của các mối đe dọa liên quan đến nước có thể làm giảm khoảng 6% GDP của Việt Nam hàng năm vào năm 2035 nếu các hành động quyết định không được thực hiện.
“Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 là một bước quan trọng đầu tiên. Trong tương lai, Việt Nam phải hướng tới việc thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bao gồm thông qua nâng cao năng lực, tài chính và đầu tư. WB cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam để chuyển các quy định pháp luật thành hành động phối hợp nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và tạo ra một Việt Nam đảm bảo nguồn nước”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Chia sẻ về tình hình triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 tại địa phương, bà Cao Thị Lan Anh - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng, trong gần 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, thành phố Hải Phòng đã triển khai đồng bộ các quy định của Luật, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cũng thấy một số bất cập, vướng mắc, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế hơn.
Theo đó, một số nội dung của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Thuỷ lợi, Luật Bảo vệ môi trường 2020, gây khó khăn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng thực hiện. Thực tế tại Hải Phòng, có một số doanh nghiệp có nhu cầu trả lại Giấy phép tài nguyên nước (Khu công nghiệp Nomura, Khu công nghiệp VSIP…) nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép tài nguyên nước…
Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về các giải pháp quản lý nước mưa, phòng chống ngập lụt đô thị, đồng thời, cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh và quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, bảo vệ các nguồn nước liên tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ về báo cáo rà soát đánh giá Luật Tài nguyên nước 2012 và các khuyến nghị cho việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của WB. Ngoài ra, Cơ quan Phát triển Pháp và Tổ chức đối tác về nước Úc đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông và quản lý hạn hán, thiếu nước và bảo đảm an ninh nguồn nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá, Hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị cho việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong thời gian sắp tới. Các ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước một cách đồng bộ, tổng hợp, thống nhất, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.
Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước trên cơ sở nội dung thảo luận tại Hội thảo hôm nay, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Tài nguyên nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đặt ra. Đồng thời đề nghị các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước bên cạnh hỗ trợ sửa đổi Luật Tài nguyên nước, trong thời gian tới tiếp tục có các chương trình, dự án hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ở Việt Nam.