4 điểm mới về lập, cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính
Theo ông Phạm Ngô Hiếu - Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ địa chính nhằm xác định hệ thống hồ sơ địa chính là công cụ chính phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xác lập tính pháp lý của từng thửa đất, từng người sử dụng đất, người quản lý đất, tài sản gắn liền với đất.
Cụ thể, khẳng định rõ vai trò của hệ thống hồ sơ địa chính làm công cụ quản lý đất đai; được sử dụng để bảo vệ quyền và xác định nghĩa vụ của người sử dụng đất, người quản lý đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác định các khoản thu tài chính từ đất đai; giám sát biến động thị trường quyền sử dụng đất; hỗ trợ người sử dụng đất trong việc tiếp cận vốn tín dụng cũng như hỗ trợ các ngành, các cấp chỉ đạo điều hành, xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng; hồ sơ địa chính còn được sử dụng để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận đất đai.
Về nguyên tắc lập, cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính, Luật hóa quy định của pháp luật đất đai năm 2013, theo đó quy định hồ sơ địa chính được lập đến từng thửa đất, được tập hợp theo đơn vị hành chính cấp xã. Việc lập hồ sơ địa chính phải đảm bảo tính khoa học và thống nhất thông tin trong hồ sơ với hiện trạng quản lý, sử dụng đất. Hồ sơ địa chính phải được cập nhật biến động đầy đủ, kịp thời khi người sử dụng đất thực hiện thủ tục hành chính về đất đai hoặc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo phản ảnh đầy đủ tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn.
Về trách nhiệm lập, cập nhật, khai thác hồ sơ địa chính: bổ sung quy định để khẳng định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chỉ đạo công tác lập hồ sơ địa chính tại địa phương; phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể trong công tác đầu tư, xây dựng, cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính; quy định cụ thể cơ quan đăng ký đất đai là cơ quan duy nhất quản lý, cập nhật hồ sơ địa chính để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm tạo cơ sở cho việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại; khẳng định nguyên tắc thông tin trong hồ sơ địa chính do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp là cơ sở để phục vụ xác định các nguồn thu từ đất, góp phần minh bạch hóa nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Một điểm mới nữa trong quy định tại điều này là quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ địa chính cấp xã trong quản lý, khai thác thông tin từ hồ sơ địa chính phục vụ cho yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương cũng như có trách nhiệm cập nhật biến động đất đai đối với những trường hợp biến động thuộc thẩm quyền và phản ánh tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất vào hồ sơ địa chính.
3 điểm mới về cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai
Cũng theo ông Hiếu, về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Đồng thời, Nghị quyết giao nhiệm vụ: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Để thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW và hoàn thành mục tiêu được giao, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định: Thứ nhất, về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là duy nhất, được quản lý tập trung và được phân cấp, phân quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, đảm bảo phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế. Bộ, ngành, cơ quan có liên quan được kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Thứ hai, về bảo đảm kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai gồm các nguồn: ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, bảo trì, duy trì, vận hành và khai thác hoạt động hệ thống thông tin đất đai được sử dụng từ nguồn ngân sách cấp hàng năm, các khoản thu tài chính từ đất đai, từ hoạt động khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai và các nguồn khác theo quy định của pháp luật
Thứ ba, về trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan có trách nhiệm kết nối, chia sẻ kết quả điều tra cơ bản và các thông tin có liên quan đến đất đai cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng sửa đổi một số nội dung về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định về đo đạc, lập bản đồ địa chính. Trong đó, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, đồng thời, có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, Dự thảo Luật bên cạnh việc kế thừa các quy định đã được triển khai thực hiện ổn định của pháp luật đất đai năm 2013 thì cũng đặt mục tiêu quy định nhằm đảm bảo hoàn thành việc đăng ký đất đai bắt buộc đối với tất cả các thửa đất; gắn công tác đăng ký đất đai (lần đầu) với quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước thông qua việc công nhận quyền sử dụng đất…
Theo Báo TNMT