Tuyên truyền sửa đổi Luật Đất đai

Tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

08:46, 14/11/2022

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai và Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền chủ trì Hội thảo.

hoi-thao-4-lh-1668329754003.jpg
Toàn cảnh cuộc hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Quốc hội; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Hà Quốc Trị; các Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội và hơn 200 Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường dự Hội thảo có các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Lê Minh Ngân và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, kỳ vọng vào các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV.

dai-bieu-lh-a5-1668328789373.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực, khẩn trương, tích cực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xác định thực hiện dự luật này là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội Khoá XV, do đó, ngay từ tháng 8/2021 - khi các cơ quan hữu quan đang hoàn thiện việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW năm 2012, trình Ban Chấp hành Trung ương, thì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan để xem xét các vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Từ đó đến nay, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan đều đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức, trí tuệ và trách nhiệm cho việc sửa đổi dự án luật quan trọng này, nhằm mục tiêu cao nhất là trình Quốc hội thông qua được một đạo luật có chất lượng: vừa kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, vừa phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, hài hòa lợi ích quốc gia, công cộng, lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

hoi-thao-3-1668328789592.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và Dự thảo Luật, đồng thời tập trung thảo luận một số vấn đề nhằm hoàn thiện Dự thảo như: vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, cải cách hành chính về đất đai…

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thủ tục hành chính về đất đai trong thời gian qua còn nhiều bất cập dẫn tới thời gian thực hiện các thủ tục của nhà đầu tư kéo dài, có khi tới vài năm. Báo cáo PCI năm 2021 cho biết, đất đai được doanh nghiệp cho là nhóm khó khăn thủ tục thứ hai. Do đó, Đại biểu cho rằng cần đặt trong chuỗi các thủ tục liên quan như: xây dựng, đầu tư để giải quyết vấn đề này.

z3877529742646_ecc1f1ea8e408e363233129637e853e3.jpg
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất, Đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất cần làm rõ việc đảm bảo sự tương thích giữa quy hoạch của cấp trên, cấp dưới, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch giữa thời gian trước và sau.

Đồng quan điểm này, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, cần làm rõ thêm mối quan hệ của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; Tiếp tục rà soát các quy định về nội dung này với Luật Quy hoạch…

Bên cạnh đó, về thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu về phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất, nhất là thu hồi đất để xây dựng nhà ở thương mại, đô thị…

Phát biểu sau khi các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia góp ý, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tính chất quan trọng, phức tạp của dự án Luật đã được thể hiện qua sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ với 228 lượt phát biểu. Tại hội thảo tham vấn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng làm rõ các vấn đề các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội quan tâm như về vấn đề: quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai, cải cách hành chính, giải quyết mâu thuẫn giữa các luật…

bt-thh.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo chiều 13/11

Đơn cử về quy hoạch sử dụng đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là một quy hoạch mang tính chất khung, cái quan trọng nhất là quy hoạch chi tiết (quy hoạch xây dựng). Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch và dự thảo Luật đất đai đã thể chế bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc lập quy hoạch bảo đảm liên kết vùng, thống nhất đồng bộ với các quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị… đây là vấn đề xử lý khó nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Bộ TN&MT dựa vào một số quy hoạch như quy hoạch giao thông vận tải, từ quy hoạch giao thông sẽ làm giá trị đất đai tăng lên và phát triển kinh tế - xã hội; thứ 2 là quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn. Theo đó, Bộ xác định nơi nào có quy hoạch đô thị và nông thôn đã được phê duyệt nơi đó không cần xây dựng cụ thể quy hoạch đất đai mà quy hoạch đất đai chỉ phân bổ thế nào là hợp lý thông qua kế hoạch sử dụng đất… Bộ trưởng cho rằng, chỉ khi nào có quy hoạch 1/500 thì mới cho triển khai chuyển mục đích sử dụng.

Về vấn đề định giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta phải thu thập được các giao dịch trên thị trường, qua đấu thầu, đấu giá để xây dựng bản đồ về cơ sở dữ liệu đất đai, giá đất, giá đất theo vùng giá trị đất để nhân rộng trên cả nước. Hiện nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp này để xác định giá đất và biến động giá đất thị trường.

bt-thh2.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Cũng theo Bộ trưởng, nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu đất đai thì sẽ giải quyết được vấn đề cải cách thủ tục hành chính về đất đai vì hệ thống này được xây dựng tích hợp đa mục tiêu, trong đó có các dịch vụ công về đất đai, thuế, đầu tư. Qua đó sẽ xem xét để tinh giảm, chuyển đổi số để giải quyết những vướng mắc trên.

Ghi nhận các ý kiến rất sâu sắc, toàn diện từ sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; hồ sơ và bố cục, mục đích và quan điểm xây dựng Luật; sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp tính thống nhất của dự thảo đối với hệ thống pháp luật của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo) sẽ tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu giải trình hoàn thiện dự án Luật và gửi các Đại biểu.

Ngay sau Kỳ họp thứ tư, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn trong giải trình tiếp thu dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 18 trong tháng 12/2022. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ dự thảo Luật. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trong tháng 1-2/2023. Với việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu các mục tiêu đặt ra, phản ánh hơi thở thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Theo Báo TNMT