TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII ban hành, đánh dấu một mốc rất quan trọng trong việc quy định về chế độ sở hữu đất đai của toàn dân và chế độ quản lý, nghĩa vụ và quyền lợi của người dân. Sau 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã được xây dựng mới, bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành của Liên hiệp Hội đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 Chương, 245 Điều, trong đó giữ nguyên 28 Điều, sửa đổi bổ sung 184 Điều, bổ sung 41 Điều và bãi bỏ 8 điều. Tại Hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã chia sẻ những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cập nhật những thay đổi mới nhất đã được đưa vào Tờ trình Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua. Bà Mỹ cho biết, Dự thảo Luật sẽ trải qua 3 lần Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Bởi vậy, Bộ TN&MT mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, đảm bảo để khi Quốc hội thông qua đó sẽ là bản hoàn chỉnh nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Góp ý về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, về cơ bản, Điều 163 về Tập trung đất nông nghiệp và Điều 164 về Tích tụ đất nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và sửa đổi Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần xem xét. Trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn, nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước như trong Điều 163 dự thảo Luật quy định. Trường hợp phương án sử dụng đất có thay đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất về phương án hoàn trả đất nông nghiệp sau khi tham gia tập trung đất đai. Trường hợp tập trung đất nông nghiệp mà phải điều chỉnh lại quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 188 của Luật này.
Ông Tiến cũng cho rằng, nội dung quy định về đảm bảo ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung cần được xem xét lại để đảm bảo định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp.
Điều 164 dự thảo Luật đã quy định 2 phương thức tích tụ đất nông nghiệp là: “Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp” và “Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp”. Ông Tiến đề nghị bổ sung thêm phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất, bởi có cùng mục tiêu chuyển quyền sử dụng đất của người này sang người khác để nâng quy mô sử dụng đất.
Cho rằng Luật mới cần khắc phục tính thiếu đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: Quy hoạch sử dụng đất luôn là quy hoạch đi sau trong hệ thống quy hoạch. Hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung. Đề xuất thời gian quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong dự thảo Luật lấy theo Luật Quy hoạch; bổ sung quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
Dự thảo Luật cần bổ sung các nội dung còn thiếu trong quy hoạch sử dung đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn cho đồng bộ và thống nhất với các Luật liên quan. Bổ sung quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác nhằm phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.
Dự thảo cũng cần bổ sung hình thức lấy ý kiến quy hoạch, đối tượng lấy ý kiến quy hoạch theo cấp quy hoạch, công tác tiếp thu, giải trình nhằm đảm bảo phản biện đồ án quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án và đảm bảo công khai minh bạch.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam nhận định, dự thảo Luật đã làm tốt phân loại đất và chế độ sử dụng đất. Phân loại đất theo quy định tại Điều 11 dự thảo Luật đã kế thừa các quy định của Luật Đất đai 2013, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp; sửa đổi, làm rõ đất nông nghiệp khác để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện trong phân loại đất. Điều này đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ số liệu thống kê, kiểm kê đất đai qua các thời kỳ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 – tầm nhìn 2045.
Về chế độ sử dụng đất, dự thảo Luật đã xây dựng công phu thành 1 chương (chương XIII), thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện thế chế, chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18. Nhiều quy định mới có yếu tố đột phá, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và sẽ có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiêp thời gian tới.
Với quy định về giá đất và tổ chức định giá đất, TS.Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất để mức giá của Nhà nước phản ảnh sát giá thị trường không hề đơn giản. Để làm điều này, cơ chế xác định giá đất cần xem xét hoàn thiện và đổi mới phương pháp định giá đất cụ thể; phương pháp định giá hàng loạt, đặc biệt khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu tố đầu vào của định giá đất; phương thức quản lý giá đất dựa trên đăng ký giá đất; Hoàn thiện hệ thống tổ chức định giá đất.
Theo TS.Nguyễn Hữu Dũng, cần mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, việc sử dụng hình thức đấu thầu, đấu giá không chỉ đảm bảo giá của bất động sản do thị trường quyết định mà còn là giải pháp để giảm thiểu tham nhũng khi thẩm quyền quyết định hành chính thuộc về một người.
Cho ý kiến về xác định giá đất tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Mặt khác, tách bạch trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng không thành, phải chuyển sang trường hợp thu hồi đất bắt buộc.
Dự thảo Luật cũng cần xác định bồi thường theo nguyên tắc thiệt hai. Tất cả các thiệt hại phải được quy về bồi thường. Hỗ trợ chỉ áp dụng cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, đối tượng chính sách có đất bị thu hồi hoặc nguồn tài trợ từ doanh nghiệp thu hồi đất. Mặt khác cần cụ thể hóa các quy định ràng buộc về thời điểm thực hiện tái định cư.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nguyên tắc “công khai, minh bạch” trong xác định giá đất tại Điều 132 Dự thảo. Phát huy vao trò giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước và vai trò quyết định của cơ quan tòa án trong việc xác định lại giá đất, bảo đảm việc xác định giá trị thiệt hại của người dân khách quan, công bằng.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục tổ chức những Hội thảo chuyên sâu hơn đối với từng nhóm vấn đề cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 4 tới.
Theo Báo TNMT