Cần quy định cụ thể việc thu hồi đất để thực hiện khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại
Góp ý vào Dự thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ đất đai, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy nguồn lực từ đất đai, song cũng còn một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận để hoàn thiện.
Cụ thể, quy định tại Điều 147 đã cụ thể hóa được giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Tuy nhiên cũng cần làm rõ nội dung “nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” bởi vì khi cho phép “sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ” tức là diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp. Như vậy vấn đề “đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch” ở đây được hiểu như thế nào trong khi diện tích đất nông nghiệp giảm do chuyển sang “xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ”.
Đồng thời cũng nên xem xét quy định về việc “nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp” đối với các tổ chức kinh tế giữa Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, tránh vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện sau khi 02 Luật này được ban hành.
Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép người có đất nông nghiệp được góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế, trong khi Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản góp vốn của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (Điều 50), người tham gia góp vốn phải chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác (Điểm a Khoản 1 Điều 51) và đây là tài sản chung không chia của tổ chức kinh tế hợp tác (Điều 61). Như vậy, trong trường hợp người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức kinh tế nhưng sau một thời gian không có nhu cầu tham gia nữa thì quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết, xử lý như thế nào ? Nếu theo Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì người có đất nông nghiệp tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ mất quyền sử dụng đất do đã chuyển quyền cho tổ chức kinh tế hợp tác, trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định việc người tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp không làm mất quyền sử dụng đất của người tham gia góp vốn nếu người đó không còn nhu cầu tham gia góp vốn.
Góp ý về nội dung thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại, bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre nhận định việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Tuy nhiên trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.
Bà Bình nêu thực tế, ở những vùng người dân đã ổn định rồi nhưng lại “vẽ” ra một dự án đô thị là bị giải tỏa đền bù, nhà cửa của người dân phải di dời gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực về tài nguyên môi trường. Hay như việc thu hồi đất đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đô thị gây nguy cơ mất an ninh lương thực và nhiều vấn đề khác. “Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp”, bà Bình nêu thực trạng.
Để khắc phục tình trạng này, bà Bình kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong Dự thảo Luật cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW. Đặc biệt phải rõ tiêu chí, nguyên tắc và theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo thẩm quyền quản lý đất đai. Bởi nếu quy định chung chung sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng các khoảng trống pháp lý để các nhóm lợi ích lợi dụng không đem lại nguồn lợi cho ngân sách Nhà nước, cho sự phát triển đô thị mà người dân lại thiệt đơn, thiệt kép.
Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất
Phát biểu tiếp thu ý kiến, thay mặt cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận và khẳng định các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ công bằng, chia sẻ lợi ích.
Đặc biệt, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.
Làm rõ thêm các ý kiến tham luận của một số đại biểu về nội dung tài chính và định giá đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Dự thảo Luật sẽ chế định mọi giao dịch đất đai của Nhà nước sẽ thông qua đấu giá và đấu thầu, mọi giao dịch liên quan đến đất đai phải trên sàn giao dịch, không được làm méo mó… Do đó, nếu điều kiện thông tin đầu vào chính xác và làm tốt sẽ có được thị trường và người dân được thuận lợi tiếp cận thông tin. “Chỉ khi có giá đất được giao dịch theo nguyên tắc thị trường, thì khi đó ta mới tạo được giá đất trong thị trường ổn định bình thường và phổ biến. Mọi quyền và nghĩa vụ, nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích”.
Về phương pháp định giá đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng sẽ có từng bước, lộ trình, khi nào có giá đất phổ biến phủ đến từng thửa đất thì khi đó sẽ có giá đất từng thửa đất. Nơi chưa có giá đất phổ biến chưa làm được vùng giá trị thì áp dụng bảng giá đất; bảng giá đất phải áp dụng, tổ hợp các phương pháp để định giá chính xác.
Đối với nội dung quản lý hành chính đất đai thì phải chuyển sang quản lý bằng công cụ kinh tế, ví dụ sẽ đánh thuế đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, đầu cơ. Phải tính đến việc phân định là giá trị quyền sử dụng đất giữa Trung ương và địa phương để điều tiết việc sử dụng đất đai, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường…
Tiếp thu 18 ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị ban chuyên môn UBTƯ MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ đạo Ban Soạn thảo tiếp thu và phản hồi với UBTƯ MTTQ Việt Nam theo quy định.
Theo Báo TNMT