Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có đại diện một số Ủy ban Quốc hội, Bộ Tư pháp lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai; đại diện UBND tỉnh, các Sở TN&MT, Tư pháp, Tài chính 10 tỉnh, thành phố phía Bắc là: thành phố Hải Phòng; các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Luật Đất đai là đạo Luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Những năm qua, nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội; việc cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được đẩy mạnh, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất... Tuy nhiên, khi triển khai thi hành cũng còn bất cập, vướng mắc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Dự án Luật, thời gian qua, Bộ TN&MT đã chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 Luật, Bộ luật có liên quan đến đất đai và xây dựng báo cáo rà soát theo đó đã xác định rõ những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai và các Luật cần phải sửa đổi để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Luật đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, làm việc với nhiều điạ phương ngay từ thời điểm tổng kết thi hành Luật trên tinh thần lắng nghe ý kiến của các địa phương, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện trong mỗi một nội dung đề xuất sửa đổi để bảo đảm chính sách khi có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống, hiệu quả.
Ban soạn thảo, Tổ biên tập cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về Dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Bộ đã tổ chức Hội thảo 3 miền (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) để lấy ý kiến Ủy ban nhân dân, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các Sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức hội thảo với các Bộ, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam…
Trong năm 2022, Bộ đã và đang tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác lấy ý kiến với UBND các tỉnh, thành phố, các vùng trên cả nước. Song song với quá trình xây dựng dự án Luật, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, người dân và doanh nghiệp, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định của pháp luật đất đai. Qua rà soát vướng mắc, chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, các vướng mắc, bất cập do địa phương phản ánh và ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và đang lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương, tổ chức cá nhân.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Dự thảo Luật Đất đai đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến các địa phương. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến góp ý của các tỉnh. Thường trực Tổ soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu một bước các ý kiến góp ý. Để có thêm cơ sở và làm sâu sắc thêm các luận cứ để đề xuất hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị các địa phương tập thảo luận các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; chế độ quản lý, sử dụng đất khu, cụm công nghiệp; đất khu kinh tế; đất để phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn; đất thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh; sử dụng đất có mặt nước ven biển, vấn đề lấn biển, những khó khăn bất cập sau thanh tra, kiểm tra và giải pháp, các nội dung mang tính đặc thù của từng địa phương như đất tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sử dụng một số loại đất, vấn đề tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, hạn mức sử dụng đất…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng đề nghị, các đại biểu cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nhất là các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần tiếp tục được tháo gỡ để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu các tỉnh, thành phố miền Bắc cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật và cho rằng, các quy định cơ bản đã tháo gỡ những vướng mắc trên thực tiễn thi hành luật ở các địa phương. Đồng thời, tập trung thảo luận về các nội dung của Dự thảo và các vướng mắc trong triển khai thi hành pháp luật đất đai trong thời gian qua, qua đó, đề xuất các giải pháp giải quyết để hoàn thiện Dự thảo Luật; Dự thảo Nghị định. Trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan tới quy hoạch sử dụng đất; cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất...
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các tỉnh, thành phố miền Bắc về Dự thảo Luật, Nghị định và cho rằng, việc trao đổi, lắng nghe các ý kiến từ thực tiễn từ các địa phương là rất cần thiết đối với việc sửa đổi, hoàn thiện các Dự thảo.
Thứ trưởng chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật, Nghị định. Đồng thời, đề nghị các địa phương thời gian tới tiếp tục có những ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai...
Theo Báo TNMT