Thiết lập nguyên tắc hoạt động trong hội nhập và hợp tác quốc tế
Theo ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN &MT, xu thế hội nhập phát triển, hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường quốc tế đang diễn ra sâu rộng, đa dạng, phức tạp có ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia. Do vậy, Luật BVMT năm 2020 đặt ra một số nguyên tắc điều chỉnh, nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế. Các hoạt động này được thực hiện trên cơ sở xem xét ưu tiên đối với những điều ước và thỏa thuận quốc tế có lợi cho việc BVMT của quốc gia, khu vực và toàn cầu, phù hợp với lợi ích, năng lực của quốc gia.
Tranh chấp quốc tế có thể phát sinh trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới. Vì vậy, Luật BVMT năm 2020 bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp, đặt ra nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo và phù hợp với quy định pháp luật trong nước, nhằm tránh rủi ro, bất lợi cho Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp về môi trường.
Quy định rõ ràng trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hội nhập quốc tế về BVMT.
Đối với Nhà nước, có vai trò, trách nhiệm chính là định hướng, khuyến khích các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước. Thiết lập các cơ chế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, hợp tác, hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động BVMT quốc gia; ứng phó, giải quyết sự cố môi trường và các vấn đề liên quan ở phạm vi khu vực, toàn cầu và xuyên biên giới.
Đối với tổ chức và cá nhân, Luật BVMT năm 2020 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về BVMT trong quá trình hội nhập, hướng tới nâng cao uy tín của doanh nghiệp nhằm mở rộng thương mại quốc tế, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế đóng góp và hỗ trợ cho hội nhập quốc tế về kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và của Việt Nam đối với quốc tế trong các nỗ lực BVMT.
Hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế đẩy mạnh ở một số nội dung.
Thi hành các điều ước và thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường. Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và trở thành thành viên tham gia của nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến môi trường. Việt Nam là thành viên chính thức của khoảng 28 điều ước quốc tế và một số khuôn khổ quốc tế liên quan đến môi trường.
Xây dựng hệ thống các quy chuẩn về môi trường, hệ thống quan trắc và thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, kiểm toán môi trường. Đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, quy hoạch và phân vùng môi trường. Phát triển các công cụ kinh tế như ngành công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, mua sắm xanh, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên…
Đối với phương thức hợp tác quốc tế, Luật BVMT năm 2020 không quy định cụ thể, nhằm tối đa việc đa dạng hóa và linh hoạt về hình thức và phương thức hợp tác giữa các bên. Hợp tác quốc tế lĩnh vực môi trường có thể thông qua phương thức hợp tác song phương và đa phương dưới hình thức trao đổi kiến thức và kinh nghiệm xây dựng chính sách, nghiên cứu khoahọc và chuyển giao công nghệ, đào tạo tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng và thực hiện dự án, đầu tư liên doanh…
Triển khai định hướng chiến lược trong hợp tác quốc tế
Cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường giai đoạn 2022 - 2026. Hội nhập quốc tế về môi trường là hoạt động đặc thù, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức và kinh nghiệm. Hệ thống chính sách và quy định pháp luật liên quan đến môi trường cần được xây dựng đảm bảo bằng hoặc dần tiệm cận với các tiêu chuẩn và điều kiện quốc tế.
Tăng cường cơ chế phối hợp trong các hoạt động hội nhập quốc tế lĩnh vực môi trường. Thông qua các cơ chế này, vai trò và trách nhiệm chủ trì, phối hợp sẽ được xác định rõ ràng trong quá trình thực thi các nghĩa vụ quốc tế liên quan. Nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến cơ chế phối hợp sẽ hướng đến tăng cường hiệu quả của các cơ chế phối hợp có sẵn và thiết lập các cơ chế mới ở những nội dung, lĩnh vực còn thiếu.
Tăng cường nguồn lực tài chính cho các hoạt động nhằm nâng cao năng lực thực hiện các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về môi trường; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào BVMT trong quá trình hội nhập. Khi đã tự nguyện tham gia vào quá trình này, đòi hỏi phải có sự đầu tư, đảm bảo về nguồn lực tài chính để thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ do các khuôn khổ quốc tế đó quy định hoặc đặt ra.
Thúc đẩy, mở rộng mới quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tận dụng, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến cho BVMT và giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế ở phạm vi khu vực và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề môi trường xuyên biên giới và toàn cầu như, ô nhiễm môi trường; rác thải nhựa đại dương; quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ động trong các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế ở phạm vi khu vực và toàn cầu thông qua những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, lựa chọn và đề cử cán bộ có đủ trình độ, năng lực làm việc biệt phái, tham gia ứng cử hoặc tự nguyện vào trong hệ thống cơ quan quản lý, điều hành và các nhóm công tác quốc tế; đề xuất các sáng kiến về môi trường ở phạm vi khu vực và quốc tế; đề xuất, đăng cai các sự kiện quốc tế toàn cầu... Đây là các giải pháp mang tính lâu dài, nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường vai trò tiên phong, dẫn dắt và làm chủ của Việt Nam trong các khuôn khổ và tại các diễn đàn quốc tế về BVMT.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường