Tham dự Hội nghị có đại biểu 25 tỉnh khu vực phía Bắc, các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các sở, ngành, Phòng TN&MT 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Cao Minh Tuấn cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành, do đó, có thể sẽ có những lúng túng nhất định trong tổ chức triển khai của cơ quan quản lý các cấp, tổ chức, doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã chủ động xây dựng tài liệu tuyên truyền các nội dung chính của Luật.
Bộ TN&MT xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của Luật và các văn bản hướng dẫn tới các cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trước đó, từ ngày 29-31/3, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành để tạo một diễn đàn trao đổi rộng rãi cho các Sở TN&MT, Chi cục bảo vệ môi trường, đơn vị phụ trách bảo vệ môi trường cấp huyện của 63 tỉnh, thành.
“Để đạt được mục tiêu, lộ trình quản lý đề ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để thông tin đến cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, toàn xã hội” – Ông Cao Minh Tuấn nhấn mạnh.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Lê Thị Thu Hằng cho biết: Những năm qua, tỉnh Sơn La luôn nỗ lực gắn nội dung bảo vệ môi trường vào trung tâm các quyết định về phát triển trên địa bàn tỉnh, không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần, đổi mới công tác quản lý môi trường, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm…
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên các lĩnh vực nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đa dạng sinh học… Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường đã được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã từng bước nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; chất lượng môi trường đô thị, nông thôn, khu dân cư từng bước được cải thiện. Thực hiện lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH. Đến năm 2017, 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý, không phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm mới; không để xảy ra các sự cố môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, để đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có những bước chuẩn bị triển khai khi Luật có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy những khó khăn, vướng mắc như việc xác định đối tượng, thẩm quyền phê duyệt các thủ tục về môi trường; việc xây dựng các quy định của UBND tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư về bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn còn thiếu nguồn lực thực hiện gây khó khăn trong xây dựng các quy định và triển khai thực hiện; chủ các cơ sở sản xuất – kinh doanh dịch vụ và một số bộ phận người dân chưa chủ động tiếp cận và thực hiện trách nhiệm theo quy định mới bảo vệ môi trường…
Tiếp đó, trong khuôn khổ hội nghị đã tập trung giới thiệu 3 chuyên đề trọng tâm. Nhà báo Hồ Vĩnh Phú, Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ cách thức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường khu vực miền Bắc. Đại diện Sở TN&MT Sơn La đã thông tin chuyên đề về thực trạng, giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, gồm: Một số điểm mới về tiêu chí môi trường, ĐMC, ĐTM sơ bộ, ĐTM của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Hội nghị đã ghi nhận ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi của đại diện các tỉnh, thành liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường tại địa phương; tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Luật bảo vệ môi trường 2020 trên cơ sở thực tiễn phát sinh…
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT: Nâng cao kỹ năng truyền thông về BVMT
Hội nghị ngày hôm nay nhằm nâng cao kỹ năng trong công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt tập trung vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 để các cơ quan, ban ngành, Sở TN&MT các tỉnh phía Bắc, Phòng TN&MT các cấp thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản, nghị định hướng dẫn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT Sơn La và các sở, ban, ngành, lựa chọn các chuyên đề tập huấn phù hợp, được quy định trong Luật, đặc biệt liên quan đến 5 chuyên đề trọng tâm Luật đã quy định.
Về nội dung tập huấn hôm nay, đã tập trung vào 3 chuyên đề chính, mong rằng các đại biểu tiếp thu, để mỗi người thành một tuyên truyền viên tại địa phương mình để phổ biến lại, nhất là những điểm mới của Luật đến các doanh nghiệp, cộng đồng, áp dụng và triển khai đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La: Sẽ sớm đề xuất cụ thể hóa các cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường
Sau hội nghị hôm nay, các đồng chí trong công tác tham mưu, quản lý cơ chế, chính sách sẽ có bước nhìn căn bản, xây dựng kế hoạch, lộ trình tập trung vào 2 vấn đề chính. Đó là, quản lý chặt chẽ, kiểm soát nguồn thải, trong đó đáng lưu ý nhất là nguồn thải phát sinh về chất thải rắn, tập trung thay đổi nhận thức về phân loại rác tại nguồn, quản lý chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình. Thứ 2 là tăng cường quản lý chất thải nguy hại, phát sinh từ quá trình xử lý vỏ bao gói thuốc BVTV, sản xuất VLXD và lĩnh vực y tế.
Trong thời gian tới, Sở TN&MT cũng sẽ tham mưu, đề xuất khoảng 5-7 Nghị quyết cho HĐND, UBND tỉnh để cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường, đảm bảo nguồn chi từ tổng thu ngân sách xấp xỉ khoảng 2% cho công tác bảo vệ môi trường.
Theo Báo TNMT