Tuyên truyền Luật BVMT 2020

Triển khai quản lý và bảo vệ di sản thiên nhiên theo Luật BVMT

15:08, 26/04/2022
 
adfadf
Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993
          Đây lần đầu tiên nội dung quản lý và BVMT di sản thiên nhiên được quy định tổng thể, đồng bộ trong Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 về việc quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT.
          Theo quy định tại Điều 20, Luật BVMT, di sản thiên nhiên bao gồm: a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.
          Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về tiêu chí, trình tự, thủ tục xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác, trong đó có khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận; về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên, trong đó quy định hệ thống di sản thiên nhiên gồm 03 cấp: Di sản thiên nhiên cấp tỉnh; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia; Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.
          Để triển khai hiệu quả các quy định của Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào trách nhiệm về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên tại điểm b khoản 8 Điều 21, chỉ đạo, tổ chức triển khai một số hoạt động trọng tâm như:
          Tuyên truyền, phổ biến về vai trò, giá trị của di sản thiên nhiên và các quy định về quản lý và BVMT di sản thiên nhiên tại Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Tổ chức rà soát, báo cáo về các di sản thiên nhiên hiện có trên địa bàn theo mẫu kèm theo và gửi về Bộ TN&MT trước ngày 30/4/2022, bao gồm rà soát, tổ chức, sắp xếp ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên theo thẩm quyền, hoặc gửi Bộ TN&MT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 21, khoản 6, điểm b, điểm c, điểm d của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; và tổ chức rà soát hiện trạng năng lực của các ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên để làm căn cứ xây dựng tiêu chí thống nhất theo quy định tại Điều 21, khoản 6, điểm b của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
          Chỉ đạo Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên tổ chức điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên, cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
          Tổ chức xây dựng và phê duyệt quy chế, kế hoạch quản lý và BVMT di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 21, khoản 6 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
          Tổ chức xây dựng dự án xác lập, công nhận di sản thiên nhiên khác, trong đó có khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất theo quy định tại Điều 19; Tổ chức lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế đối với các di sản thiên nhiên thuộc địa bàn theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
3 bước để đề cử di sản thiên nhiên
           Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, cần thực hiện qua 3 bước để để cử sản thiên nhiên ra hội đồng di sản quốc tế.
           Bước đầu tiên, Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định tại Điều này. Việc hướng dẫn kỹ thuật, thẩm định và đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của Luật Di sản văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
            Bước hai là tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận. Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đề cử di sản thiên nhiên, đại diện một số tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan.
          Nội dung thẩm định bao gồm: việc đáp ứng các tiêu chí đối với di sản thiên nhiên đề cử danh hiệu quốc tế; vị trí địa lý, ranh giới và diện tích di sản thiên nhiên, các phân vùng di sản thiên nhiên; mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên; nội dung quản lý và kế hoạch bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; mô hình tổ chức quản lý; nguồn lực quản lý và tổ chức thực hiện quản lý di sản thiên nhiên sau khi được công nhận;
           Bước cuối cùng là sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện và gửi hồ sơ đề cử công nhận theo quy định của tổ chức quốc tế.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật việc đề cử, công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên của Việt Nam theo quy định của các tổ chức quốc tế; chỉ định đầu mối thông tin, liên lạc với các tổ chức quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.
           Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ sau họp Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đề cử tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên.
Về nguồn lực cho quản lý và BVMT di sản thiên nhiên
          Tại Điều 21, khoản 3 và khoản 6 tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, quy định rõ việc “ưu tiên nguồn lực" cho bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; đồng thời quy định cụ thể tại Chương XI. Nguồn lực BVMT.
          Cụ thể, chi sự nghiệp môi trường (Điều 153, khoản 1, điểm a): Điều tra, khảo sát, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; xác lập, thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên; hỗ trợ công tác quản lý và BVMT các khu di sản thiên nhiên thuộc trách nhiệm của trung ương (Điều 151) hoặc thuộc nhiệm vụ của địa phương (Điều 152); Các nguồn chi khác (chi các hoạt động kinh tế, chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi đầu tư phát triển…) được quy định cụ thể cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học khác tại Điều 153 cho các hoạt động ở cấp trung ương (Điều 151) và cấp địa phương (Điều 152); Ngoài ra, Điều 21, Khoản 6, điểm b quy định Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên: được bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý và BVMT di sản thiên nhiên; tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ… ; Điều 21, Khoản 7, điểm e quy định: Bộ TN&MT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt dự án phục hồi môi trường của di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
           Tại Công văn, Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền, đồng thời đề xuất các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của trung ương và tổ chức triển khai đồng bộ các quy định khác về quản lý và BVMT đối với di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 21 và các quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại mục 1 chương X (Điều 121-129) của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Trong trường hợp có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên, kịp thời đề xuất Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 21, khoản 7, điểm đ của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường