BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG

TRUNG TÂM TRUYỀN THÔNG TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Truyền thông chính sách

Hội thảo “Hiện trạng chất thải điện tử và các giải pháp đầu tư dự án xử lý, tái chế”

15:36, 15/12/2023

Sáng nay, ngày 15/12/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo Hiện trạng chất thải điện tử và các giải pháp đầu tư dự án xử lý, tái chế.

Tham dự Hội thảo có Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, bà Đỗ Thị Thúy Hường, UV BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Ông Adachi Ichiro, Cố vấn quản lý môi trường của JICA tại Bộ TN&MT, ông Shojiro Tanase, Cục Tái chế Môi trường và Tuần hoàn Tài nguyên thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản, ông Hiroi Akira, Điều phối viên Môi trường - Bí thư thứ hai, ĐSQ Nhật Bản, ông Yutaka YASUDA, Giám đốc Điều hành Cao cấp, Công ty CP Kim loại JX Nhật Bản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo được tổ chức để đánh giá được hiện trạng chất thải điện tử tại Việt Nam hiện nay; các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về quy định thu hồi, xử lý rác thải điện tử; giới thiệu các công nghệ, giải pháp tài chính cho xử lý chất thải điện tử; kinh nghiệm tái chế chất thải điện tử của Nhật Bản và các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải điện tử từ các đối tác Nhật Bản...

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết:

Hiện nay, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đi cùng với sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là sự phát triển về kinh tế xã hội, nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng lớn. Điều này dẫn đến tuổi đời ngày càng ngắn của các sản phẩm điện, điện tử, có nghĩa là có nhiều rác thải điện tử được sinh ra hơn. Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” được Liên hợp quốc công bố, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Trong đó, Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn. Chỉ có 17% chất thải điện tử được tái chế, phần còn lại chuyển đến các bãi chôn lấp, thiêu hủy hoặc là không được xử lý.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu tại Hội thảo

Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này. Rác thải điện tử được nhận định là đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Theo thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn Rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Trong khi đó, quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ, việc xử lý rác thải điện tử vẫn còn là vấn đề bất cập. Tái chế và xử lý chất thải điện tử ở Việt Nam còn đang ở mức độ thấp, mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường, bằng các công nghệ, thiết bị lạc hậu gây những tác động không nhỏ đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệp và đưa ra những đề xuất, giải pháp cho Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức, triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, mô hình tái chế chất thải điện tử nói riêng; những giải pháp về sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm điện tử được sản xuất từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh điện tử đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách về thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại, tái chế (nhất là tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các sản phẩm tái chế, tái sử dụng...).

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông TNMT


Ý kiến bạn đọc