Tin chuyên ngành

Đảm bảo an toàn vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

14:45, 03/06/2022
11.jpg
Ông  Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT phát biểu tại cuộc họp

Lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục PCTT cho biết, từ ngày 22-24/5, tại các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hoà Bình, Hà Nội, Thanh Hóa có mưa rất lớn từ 300-550mm (lớn hơn so với dự báo, có nơi lớn hơn 230%); một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mưa 925mm (riêng ngày 23/5 mưa 464mm là lượng mưa ngày lớn nhất trong 60 năm); Quân Chu (Thái Nguyên) 675mm; Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 505mm; Kiến Thiết (Tuyên Quang) 540mm.

Tại tỉnh Thái Nguyên, từ 20h ngày 30/5 đến 5 giờ ngày 31/5, lượng mưa đo được lên đến hơn 300mm, cụ thể: Trạm Nam Hòa 313mm; Đồng Hỷ - Thị trấn sông Cầu 283mm; La Hiên 168mm; Đình Cả 158mm; Cúc Đường 141mm; Thần Sa 140mm; Bộc Nhiêu 121mm.

Nhận định tình hình mua lũ trong thời gian tới, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, lượng mưa khu vực miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9/2022, cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30%, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Tháng 10/2022, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Bắc thấp hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm. Tháng 11/2022, thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

22(1).jpg
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia báo cáo nhận định về tình hình mưa trên hệ thống sông Hồng năm 2022

Về thủy văn, đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8). Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-15% so với trung bình nhiều năm, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 đến tháng 11/2022, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 15-20% so với trung bình nhiều năm.

Về hiện trạng mực nước các hồ tính đến 7h00 ngày 3/6/2022, báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, hiện mực nước hồ chứa Tuyên Quang và Sơn La đang cao hơn so với mực nước cao nhất trước lũ cho phép trong thời kỳ lũ sớm (15/6-19/7); mực nước hồ Hòa Bình đang lên, đến 22h/2/6 mực nước đã vượt mức nước cho phép trước lũ, nên cũng phải sẵn sàng phương án điều tiết xả lũ về hạ du, Thác Bà đang ở mực nước thấp.

Sẵn sàng các kịch bản ứng phó

Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp số liệu kịp thời về khí tượng thủy văn cho các chủ hồ chứa và các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; thực hiện và giám sát việc cung cấp thông tin, số liệu theo quy định tại Điều 27, quy trình vận hành về cung cấp thông tin số liệu mùa lũ; nâng cao độ tin cậy các bản tin cảnh báo, dự báo phục vụ công tác tính toán, tham mưu vận hành liên hồ chứa.

7.-ong-ngo-son-hai-pho-tgd-tap-doan-dien-luc-vn.jpg
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc  Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại cuộc họp

Giám đốc các Công ty Thủy điện thực hiện vận hành hồ chứa theo quy định của Quy trình. Báo cáo cho Ban Chỉ đạo, và các cơ quan liên quan theo quy định về số liệu của tất cả các lần quan trắc đo đạc trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ: Mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu các hồ theo các giờ quan trắc; lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả, lưu lượng tháo qua tuabin theo các giờ quan trắc; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ, theo lưu lượng đến hồ; trạng thái làm việc của công trình mỗi ngày một lần vào lúc 7 giờ sáng trong suốt mùa lũ.

Đồng thời, lắp đặt bổ sung các trạm khí tượng, thủy văn, trạm đo mưa… theo quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BTNMT ngày 26/12/2018 của Bộ TN&MT để đảm bảo đủ số liệu dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành liên hồ; xây dựng, rà soát các phương án bảo vệ đập trong các tình huống khẩn; rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi,…) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng trong các tình huống phải xả lũ khẩn cấp, nhất là vào ban đêm.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng An toàn đập hiện đã đi kiểm tra tại Tuyên Quang. Trong tháng này, sẽ tiếp tục kiểm tra hồ đập tại Hòa Bình, Sơn La, sau đó, Hội đồng sẽ họp để có kết luận. Qua rà soát, đến thời điểm này, các hồ đập đều đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm nay. Công tác PCTT cũng đã được rà soát, đặc biệt là các quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương. Về công tác vận hành hệ thống điện liên quan đến các hồ thủy điện, ông Ngô Sơn Hải cho biết, hiện, tất cả các nhà máy thủy điện trên nhánh sông Đà lượng nước về tốt, các nhà máy đều chạy tối đa.

img_0391.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, việc vận hành hoạt động hồ chứa, nhất là liên hồ chứa để cắt lũ và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là rất quan trọng.

Ông Trần Quang Hoài cho rằng, việc vận hành liên hồ chứa cần bám vào thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Theo dự báo, từ nay đến tháng 9/2022, tình hình dòng chảy, lũ có thể tăng lên 30%, đúng thời điểm theo quy luật thường có lũ lớn trên sông Hồng và sông Thái Bình. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, lưu lượng dòng chảy lại giảm đi. Do vậy, chúng ta cần tính toán, sẵn sàng các phương án vận hành phù hợp, hiệu quả nhất.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cung cấp các thông tin nhận định sớm về lưu lượng, lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình để các cơ quan chức năng có phương án hành động sớm. Cục cứu hộ cứu nạn chỉ đạo các lực lượng vũ trang trên địa bàn rà soát các phương án cứu hộ, cứu nạn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, khắc phục hậu quả khi có tình huống mưa lũ phức tạp, đặc biệt là khi các hồ chứa xả lũ khẩn cấp làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, công trình, người dân phía hạ du.

Đối với các đơn vị Tư vấn tính toán vận hành liên hồ chứa, ông Trần Quang Hoài đề nghị cập nhật các mô hình tính toán cho phù hợp với hiện trạng, diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ, máy móc, trang thiết đảm bảo đảm bảo việc kịp thời tham mưu cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo; xây dựng các kịch bản mưa lũ lớn, chủ động tính toán, tham mưu hỗ trợ phương án vận hành để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo.

Theo Báo TNMT