Ngày 24/5, tiếp tục chương trình Hội thảo tham vấn dự thảo quy hoach không gian biển quốc gia các tỉnh có biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, diễn ra tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý tiếp tục tham gia ý kiến đóng góp nhiều ý kiến bổ sung vào dự thảo.
Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo và Đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày về nội dung của Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các kết quả đánh giá, dự báo, định hướng phát triển trong quy hoạch; quan điểm, mục tiêu; phạm vi quy hoạch; phân vùng quy hoạch; cơ sở dữ liệu không gian biển quốc gia; nội dung liên quan đến quy hoạch 6 ngành kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu
Trọng tâm là những vấn đề thực tiễn, đi sâu vào phân tích tiềm năng, lợi thế của các tỉnh; Các tỉnh tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý biển trong thời gian qua. Đặc biệt, Hội thảo được nghe nhiều ý kiến quan tâm đến việc khơi thông các nguồn lực về tài nguyên biển để phục vụ cho phát triển kinh tế nhất là năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì hội nghị, nhấn mạnh: “Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý được xem là việc “mở đường” tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội…”.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, song song với việc lấy ý kiến bằng văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các cuộc họp và hội thảo cấp vùng như Hội thảo này để trực tiếp tham vấn các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhằm hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Thực hiện kế hoạch lấy ý kiến tham vấn, trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Dự thảo Quy hoạch xin ý kiến các cơ quan như Ban Kinh tế Trung ương; các Ủy ban của Quốc hội (Kinh tế; Đối ngoại; Khoa học, Công nghệ và Môi trường), 16 Bộ (Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Tài chính; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế) và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.
Được biết, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, Đơn vị tư vấn và chuyên gia triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương ở khu vực tham vấn ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung, Dự thảo bảo đảm bố cục chặt chẽ, có tính khả thi cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó đóng góp một số ý kiến nhận thấy còn vướng mắc, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, sửa đổi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết: Quy hoạch không gian biển là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia góp phần triển khai chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển. Nội dung của Quy hoạch đã bám sát các quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 24/7/2020 của chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia.
Thông qua Hội nghị tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt các đóng góp của cơ quan quản lý tại địa phương để thấy vẫn còn những vướng mắc trong dự thảo. Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị đơn vị tư vấn cần tập trung tiếp thu một cách nghiêm túc, cầu toàn, làm rõ các ý kiến, trong đó có những nội dung được các địa phương đề cập để sau này khi áp dụng vào thực tiễn được dễ dàng hơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý để hoàn thiện Dự thảo quy hoạch được đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Theo Báo TNMT