Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) có ông Thomas Melonio - Giám đốc Điều hành phụ trách đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và tri thức; cùng các thành viên đại diện các cơ quan liên quan thuộc AFD.
Đây là hoạt động khởi đầu cho chuỗi các sự kiện gặp gỡ chính thức của Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với các cơ quan phụ trách vấn đề nước của Pháp trong khuôn khổ chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý tài nguyên nước phục vụ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Thomas Melonio cho biết, AFD đã và đang có nhiều hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về các lĩnh vực như biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Trong đó, đã hoàn thành báo cáo của AFD về BĐKH (Climate change in Viet Nam, impacts and adaptation - BĐKH ở Việt Nam, tác động và thích ứng).
Ông Thomas Melonio cũng cho rằng, để giải quyết các thách thức về BĐKH ở Việt Nam, cần có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các bên, đặc biệt là về công tác lập quy hoạch và nghiên cứu, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa ngành, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với BĐKH. Bên cạnh đó, hai Bên cần có những việc làm cụ thể, song song nghiên cứu cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, chính sách và thể chế trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ hợp tác của AFD trong thời gian qua, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường, và quản lý tài nguyên nước.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đang gấp rút xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào đầu năm 2023. Tài nguyên nước là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nhanh chóng cũng là nguyên nhân tạo ra những áp lực lên tài nguyên nước. Theo đó, trong chuyến công tác lần này, Đoàn công tác của Bộ TN&MT mong muốn học hỏi kinh nghiệm của AFD và các cơ quan phụ trách vấn đề nước của Pháp về mô hình quản lý lưu vực sông, các nguồn lực tài chính, đặc biệt là cơ chế thu hút doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tham gia vào công tác bảo vệ nguồn nước;….
Chia sẻ về nội dung này, ông Thomas Melonio cho biết, Pháp hiện có nhiều mô hình quản lý lưu vực sông, trong đó, vấn đề ban hành chính sách quản lý tài nguyên nước ở cấp trung ương là rất quan trọng. Trên cơ sở này, các thành phố sẽ đề xuất cơ chế chính sách, phối hợp với các đơn vị tư nhân để thực hiện. Quản lý tài nguyên nước tại Pháp được thực hiện trên cơ sở đảm bảo công lý và công bằng.
Liên quan đến các hỗ trợ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới, đại diện phía AFD cũng cho biết, Pháp sẽ hỗ trợ không chỉ về mặt chính sách mà cả về mặt tài chính, tài trợ cho các dự án xanh, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn thảo luận, sớm ký kết một thỏa thuận hợp tác với Bộ TN&MT Việt Nam. Nội dung bản thỏa thuận sẽ tập trung vào việc hỗ trợ chính sách và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển của AFD tại Việt Nam” - Ông Thomas Melonio phát biểu.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai Bên cũng có nhiều nội dung trao đổi, thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trước mắt là Hỗ trợ xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thông qua các hỗ trợ về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm,…
* Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi gặp gỡ chính thức với ông Oliver Thibault, Giám đốc phụ trách về Nước và Đa dạng sinh học thuộc Bộ Chuyển Đổi Sinh Thái Pháp nhằm trao đổi, tìm hiểu, chia sẻ về công tác quản lý tài nguyên nước, kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Cộng hòa Pháp.
Tại buổi gặp gỡ, hai Bên đã có chia sẻ, trao đổi thân mật và hiệu quả về công tác quản lý tài nguyên nước tại Cộng hòa Pháp.
Ông Oliver cho biết, tại Pháp có khoảng hơn 50% lượng nước lấy sông dành cho mục đích công nghiệp chủ yếu phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân rồi được hoàn trả về các sông thông qua các biện pháp xử lý nhằm tái sử dụng nước. Nước khai thác từ các sông dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 10%.
Nguyên tắc chung về quản lý tài nguyên nước tại Pháp được thực hiện trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Theo đó, quản lý hài hòa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài nguyên nước theo lưu vực sông. Việc quản lý hài hòa tài nguyên nước nhằm đạt được các mục tiêu về phòng ngừa, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, bảo vệ vùng đất ngập nước, nước mặn, nước lợ; phòng chống ô nhiễm và những hoạt động khác làm hủy hoại đến nguồn nước hoặc làm biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh vật học đối với nước mặt, nước dưới đất, dưới biển; phục hồi chất lượng và tái tạo các nguồn nước; phát triển và bảo vệ nguồn nước tự nhiên; làm tăng giá trị kinh tế của nước và phân bố nguồn nước bằng việc thu tiền nước để sử dụng vào việc cấp nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước;…
Cùng với đó, cách thức quản lý tài nguyên nước của Cộng hòa Pháp được thể hiện tập trung ở quản lý lưu vực sông. Mô hình Ủy ban lưu vực sông gắn kết trách nhiệm giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp trên lưu vực sông, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của người dân và của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào công tác quản lý cũng như giải quyết các vấn đề về nguồn nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Các lưu vực sông được phân định bằng các đường phân thủy bao gồm 12 lưu vực trên toàn nước Pháp: Lưu vực đô thị gồm 7 lưu vực (Adour-Garonne, Artois-Picardie, Loire-Bretagne, Rhine-Meuse, Rhône-Địa Trung Hải, Corsica, Seine-Normandy); và lưu vực ngoại ô gồm 5 lưu vực (Guadeloupe, Guyana, Martinique, Reunion và Mayotte).
“Mô hình quản lý lưu vực sông của Pháp đã được các nước trong cộng đồng Châu Âu công nhận là mô hình quản lý hợp lý nhất và đã có nhiều nước áp dụng” - Ông Oliver Thibault cho biết.
Sau bài trình bày của ông Oliver, hai Bên cũng đã có nhiều nội dung trao đổi, tìm hiểu sâu hơn về tài chính về tài nguyên nước, việc xây dựng, phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông,…
Theo Báo TNMT