Tại tọa đàm, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã phát động Chiến dịch Change for Climate change (tạm dịch: Thay đổi vì biến đổi khí hậu). Chiến dịch nhằm khuyến khích cộng đồng thực hiện những hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động đến môi trường. Mỗi thay đổi dù nhỏ nhất cũng là bước đi quan trọng để cứu tương lai của loài người trước BĐKH.
TS. Kidong Park chia sẻ, BĐKH là khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt hiện nay. Khủng hoảng khí hậu cũng là khủng hoảng sức khỏe. Những nguyên nhân từ môi trường có thể phòng tránh được như ô nhiễm không khí, thiên tai cực đoan, các bệnh sức khỏe do nguồn nước… đã gây ra khoảng 13 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm. Hơn 90% người dân toàn cầu phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch. Ngày Sức khỏe thế giới năm nay, WHO kêu gọi Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân hãy hành động vì BĐKH, vì hành tinh của chúng ta, vì sức khỏe chúng ta.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do BĐKH. Tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, không chỉ vì sự phát triển bền vững mà còn vì sức khỏe của người dân Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh các cam kết này, đặc biệt là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để giảm thiểu tác động BĐKH.
Theo TS Takashi Kasai: Giám đốc WHO khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cam kết của Việt Nam đang cho thế giới thấy, hành động của quốc gia và địa phương có thể giúp giải quyết vấn đề toàn cầu như thế nào. Không ai miễn nhiễm với tác động của BĐKH. Đại dịch Covid 19 là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng: Sức khỏe của con người và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện có rất mong manh. Thay đổi là yêu cầu cấp bách và phải được thực hiện từ hôm nay.
Tầm nhìn “Vì tương lai” của WHO đặt BĐKH và sức khỏe môi trường là ưu tiên. WHO sẽ làm việc với liên hợp quốc và các đối tác để hỗ trợ các Chính phủ thực hiện mục tiêu trong Kế hoạch ứng phó BĐKH, các mục tiêu ứng phó trong nông nghiệp, cung cấp quản lý chất thải, cấm các chất phá hủy tầng ô-dôn và thúc đẩy chương trình nghị sự về không khí sạch, sức khỏe và khí hậu. Nhưng những mục tiêu dài hạn hơn như giảm phát thải các bon và phủ xanh thành phố đòi hỏi hành động liên ngành và toàn xã hội.
Chia sẻ về tác động của BĐKH đến lĩnh vực y tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ gia tăng làm gia tăng các nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng – những bệnh nhạy cảm với khí hậu; tăng tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là các đối tượng người già và trẻ em. Nhiệt độ tăng 1 độ C sẽ làm tăng 3,4 – 4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7 – 11% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tăng 5,6% nguy cơ mắc tay chân miệng và tăng 1,5% tiêu chảy.
Các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, lương mưa tăng cũng làm tăng nguy cơ các bệnh truyền nhiễm. Dự báo trong tương lai có thể xuất hiện nhiều các bệnh mới. Thiên tai, lũ lụt, thời tiết cực đoan cũng gây phá hủy, hư hại cơ sở vật chất, trang thiết bị và làm gián đoạn và giảm chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh, tăng áp lực cho ngành y tế.
BĐKH cũng làm tăng tình trạng thiếu nước sạch, gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, hoạt động hậu cần tại bệnh viện và cơ sở y tế. Đây là những điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng hoạt động khám chữa bệnh phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Nếu chúng ta ứng phó BĐKH, thời tiết cực đoan, tác động và thiệt hại với cơ sở y tế rất nghiêm trọng, mất nhiều công sức ngồn lực khắc phục.
Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó BĐKH của ngành y tế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm thiểu tác động của BĐKH đến hệ thống y tế và sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh BĐKH. Bộ đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế, hỗ trợ địa phương triển khai các hành động ứng phó BĐKH, đặc biệt trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, xây dựng cơ sở y té xanh, sạch, đẹp; giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần bảo vệ sức khẻo cộng đồng trước tác động của BĐKH.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận về những tác động của BĐKH đến môi trường y tế, sức khỏe con người và xu hướng giảm phát thải, chống BDKDH hiện nay; những đóng góp của ngành y tế trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. các ý kiến nhấn mạnh vấn đề Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và dự báo tác động của BĐKH, cập nhật định kỳ trên cơ sở hệ thống dự liệu số đã được cải thiện. Việc có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt sẽ giúp các nhà quản lý ra quyết định với tầm nhìn dài hạn, tính ứng dụng cao và đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo Báo TNMT