Tin chuyên ngành

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam (Phần 1)

14:11, 01/04/2022
dgsdfg
Tính hợp lý và pháp lý của EPR
       Tránh nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì? Là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.
EPR sẽ dẫn dắt nhà sản xuất nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. Quá trình này sẽ thúc đấy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói. Đặc biệt, với trách nhiệm mở rộng này, nhà sản xuất sẽ thay đổi tư duy về chuỗi sản xuất - tiêu dùng. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, các công cụ chính sách về EPR gợi mở cho các nhà sản xuất việc quản lý bao bì sản phẩm bằng nhiều loại công cụ. Công cụ đặt cọc-hoàn trả đối với bao bì thông thường; với nguyên vật liệu khó tái chế và độc hại doanh nghiệp phải chi trả phí thải bỏ, thuế nguyên vật liệu; đăng ký tỉ lệ tái chế tối thiểu, thiết kế vì môi trường đối với cơ quan chức năng để thực hiện đóng thuế phù hợp. Ngoài ra, các công cụ về thông tin như: yêu cầu báo cáo, dán nhãn sản phẩm, thông báo với khách hàng về trách nhiệm của nhà sản xuất và phân loại rác, thông báo cho các nhà tái chế về các nguyên vật liệu sử dụng cho bao bì sản phẩm của mình.
       EPR được quy định cụ thể trong những văn bản nào? Năm 2005, Luật BVMT Việt Nam đã quy định về trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ cho các nhà sản xuất đối với một số loại hình sản phẩm (điều 67, khoản 1). Năm 2013, điều Luật này được cụ thể hóa trong Quyết định số 50/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Năm 2017, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 34 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Thông tư số 34/2017/ TT-BTNMT thực tế mới chỉ quy định chi tiết Khoản 13 Điều 5 và Khoản 1 Điều 9 của Quyết định số 16/2015/QĐ- TTg. Còn các hướng dẫn khác có liên quan, đặc biệt là tỷ lệ phải thu hồi, tái chế hoặc xử lý của doanh nghiệp sản xuất thì không được quy định cụ thể. Năm 2020, Luật BVMT số 72/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam. Các Điều 54, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55, Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
       Theo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) về mức độ sẵn sàng thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cho thấy, số doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định tại Điều 54, 55 là 93,55%. Đây chính là điểm thuận lợi khi triển khai áp dụng Điều 54, 55 của Luật BVMT đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng. Nói cách khác, việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường