Một số quy định không còn phù hợp
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi Nghị định số 201 có hiệu lực đến nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung do đó, một số quy định của Nghị định hiện không còn phù hợp như: Các quy định về căn cứ cấp phép, trong đó, có căn cứ quy hoạch tài nguyên nước, tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về quy hoạch hiện tên của các quy hoạch đã thay đổi.
Một số nội dung của Nghị định số 201 hiện nay không còn phù hợp do sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuỷ lợi, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và một văn bản quy phạm pháp luật khác gây khó khăn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng khi thi hành.
Mặt khác, qua thực tiễn hơn 8 năm triển khai thi hành Nghị định với rất nhiều văn bản của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho thấy một số quy định của Nghị định số 201 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những vướng mắc và đề nghị tháo gỡ như: Chưa có quy định cụ thể việc cấp phép khai thác nước mặt tại công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình khai thác, sử dụng nước khác từ các hồ chứa, kênh dẫn,… của hệ thống công trình thủy lợi dẫn đến vướng mắc trong quá trình quản lý, cấp phép và thanh tra kiểm tra ở địa phương.
Nghị định số 201 đã quy định các trường hợp phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tuy nhiên thực tế triển khai nhiều địa phương, doanh nghiệp không xác định rõ thuộc trường hợp nào, do đó thực hiện chưa thống nhất.
Ngoài ra, qua thực tế triển khai thi hành cho thấy, việc lấy ý kiến cộng đồng cần phải áp dụng cho tất cả các công trình hồ đập thuộc quy mô phải cấp phép vì hầu hết các công trình hồ, đập xây dựng trên sông suối đều gây ra tác động và ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước thượng và hạ du, thậm chí có nhiều trường hợp công trình hồ đập có quy mô nhỏ (dung tích nhỏ hơn 500 triệu m3) nhưng gây ra những hệ lụy lớn hơn các hồ chứa có quy mô lớn hơn. Chính vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh trường hợp lấy ý kiến cộng đồng đối với công trình hồ chứa, đập dâng (có bụng hồ).
Về chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, Nghị định số 201 đã quy định cụ thể điều kiện của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước là tính đến thời điểm chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa công trình khai thác vào hoạt động.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều chủ giấy phép thực hiện quy định này không đúng thời điểm, công trình đã được cấp giấy phép, nhưng chưa được hoàn thành công tác xây dựng cơ bản thì chủ giấy phép đã thực hiện chuyển nhượng dự án từ trước đó (theo pháp luật về dự án đầu tư) và tính đến khi thực hiện hồ sơ cấp lại thì việc chuyển nhượng đã được thực hiện trước đó.
Ngoài ra, Nghị định số 201 đã quy định thành phần hồ sơ chuyển nhượng, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể các mẫu của từng thành phần hồ sơ chuyển nhượng, vì vậy quá trình thẩm định hồ sơ chưa có cơ sở thực hiện việc thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dẫn đến có nhiều địa phương và nhất là các tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị hướng dẫn mẫu hồ sơ. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển nhượng quyền khai thác đảm bảo phù hợp với thực tiễn là cần thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, ngay từ Luật Tài nguyên nước năm 1998 đã quy định mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước đều phải có giấy phép (trừ trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép quy định tại Điều 44), không phân biệt tổ chức hay cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước, cơ quan Nhà nước... quy định này được tiếp tục thể hiện trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đã quy định khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép là hành vi vi phạm hành chính và Bộ Luật hình sự cũng đã coi hành vi này là tội phạm hình sự (Điều 227) trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều công trình đang hoạt động khai thác nước nhưng chưa có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng Nghị định chưa quy định trường hợp chưa xử lý vi phạm thì có xem xét cấp giấy phép hay không. Vì vậy, cần thiết phải có quy định hướng dẫn việc xem xét cấp phép đối với các công trình đang trong thời gian xem xét xử lý vi phạm hành chính.
Dự kiến giảm số ngày thẩm định hồ sơ cấp phép
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP của về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025,
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi tường đã xây dựng và trình Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tập trung chủ yếu vào thủ tục hành chính (TTHC), Bộ đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC, chiếm 85% số lượng TTHC lĩnh vực TN&MT.
Trong đó, lĩnh vực tài nguyên nước cắt giảm, đơn giản hóa 27/32 TTHC (chiếm 84,3%), vì vậy để phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần thiết sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục, thời gian thẩm định đối với công tác cấp giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Dự kiến, để phù hợp với Nghị quyết Chính phủ nêu trên thì dự thảo Nghị định sẽ giảm số ngày thẩm định hồ sơ từ 45 ngày xuống còn 36 ngày đối với thủ tục cấp mới giấy phép và 40 ngày xuống còn 31 ngày đối với thủ tục điều chỉnh, gia hạn và 20 ngày giảm xuống còn 16 ngày đối với thủ tục cấp lại giấy phép. Ngoài việc giảm số ngày thẩm định hồ sơ thì giảm số lượng bộ hồ sơ nộp cho cơ quan tiếp nhận từ 2 bộ hồ sơ còn 1 bộ hồ sơ.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng ban hành kèm theo các mẫu biểu trước đây đã được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước để đảm bảo tính thống nhất.
Đồng thời, các mẫu đề án, báo cáo trong hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước cũng được quy định theo hướng đơn giản, đặc biệt là đối với các công trình khai thác nước để cấp cho nông nghiệp và các công trình khai thác nước với quy mô nhỏ để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 201 chưa có hướng dẫn cụ thể đối về trình tự, thủ tục, hồ sơ trả lại giấy phép và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan trước khi trả giấy phép đối với trường hợp khai thác nước mặt tại công trình hồ chứa, sử dụng mặt nước hồ chứa nên đã gây lúng túng cho các địa phương, không có sự thống nhất về thực hiện thủ tục trên phạm vi cả nước.
Nghị định chưa có hướng dẫn cấp giấy phép đối với các công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình khai thác, sử dụng nước khác từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, kênh dẫn nước của các hệ thống công trình thủy lợi và các trường hợp khai thác sử dụng nước cho các mục đích kinh doanh (bao gồm cả hoạt động giết mổ), dịch vụ sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt).
Ngoài ra, việc sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh du lịch, giải trí hiện nay diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trình tự chấp thuận đã gây lúng túng trong thực tế triển khai. Do đó, nhiều địa phương đã đề nghị bổ sung, hướng dẫn làm rõ các nội dung nêu trên.
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước đã quy định trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải xin phép, trong đó có khai thác, sử dụng nước cho phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, Nghị định số 201 chưa quy định cụ thể các trường hợp áp dụng nên gây khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng trên thực tế, vì vậy cần thiết phải cụ thể hóa các trường hợp này. Ngoài ra, cần thiết bổ sung thêm các quy định đối với một số trường hợp khai thác sử dụng nước cho sinh hoạt trong tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hoặc sự cố ô nhiễm, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nghị định số 201 cũng chưa quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, điều chỉnh quy mô công trình cho phù hợp với thẩm quyền cấp phép của Bộ và địa phương nên khó khăn trong quá trình triển khai thực tế.
Hiện nay, tại một số các đơn vị cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn đã thực hiện việc quan trắc tự động một số chỉ tiêu chính. Qua tổng hợp số liệu thực tế tại một số công trình cấp nước sinh hoạt thuộc thành phố Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ, Phú Thọ, Hải Phòng, Đà Nẵng…, các đơn vị quản lý đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tại các tỉnh này cũng đã lắp đặt thiết bị quan trắc giám sát tự động một số thông số chất lượng mặt chính như: nhiệt độ, pH, độ đục, NO3, DO hoặc COD và ngoài ra tại một số vùng bị ảnh hưởng triều thì quan trắc thêm thông số độ mặn.
Tuy nhiên, vì chưa có quy định việc quan trắc giám sát tự động chất lượng nguồn nước thô nên thực tế cũng nhiều công trình chưa thực hiện công việc này, nhiều đơn vị cấp nước cho sinh hoạt chưa chú trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước cấp, chưa có sự giám sát chặt chẽ kịp thời để kiểm soát, cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước khai thác, việc tổ thức theo dõi, giám sát các nguồn thải trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cũng rất lỏng lẻo, không kịp thời dẫn tới để xảy ra các sự cố ô nhiễm nguồn nước khai thác và không kịp thời ứng phó, khắc phục, dẫn đến chất lượng nguồn nước cấp cho người dân chưa đảm bảo.
Chính vì vậy, để nâng cao trong việc kiểm soát, cảnh báo sớm chất lượng nguồn nước khai thác, cần thiết nghiên cứu, bổ sung các yêu cầu bảo đảm về quan trắc, giám sát tự động chất lượng nguồn nước khai thác đối với các công trình, nhà máy cấp nước cho sinh hoạt.
Quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập Đề án, Báo cáo khai thác sử dụng nước trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước được quy định cụ thể tại Nghị định số 60/2016/NĐ-CP và Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 về quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó quy định kinh nghiệm công tác của cán bộ phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo là đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 3 (ba) đề án, báo cáo.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cá nhân (đặc biệt là 105 Công ty TNHH MTV công trình thủy lợi địa phương các tỉnh, thành phố) có các cán bộ đủ năng lực kinh nghiệm trong công tác tham gia lập đề án, báo cáo thì cần thiết bổ sung quy định về năng lực kinh nghiệm của cán bộ có ít nhất 3 năm kinh nghiệm ngoài quy định đã đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 3 (ba) đề án, báo cáo.
Vì quá trình thực tế thẩm định các hồ sơ năng lực cho thấy cần thiết tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy lợi, các cán bộ của các Công ty đều có kinh nghiệm công tác ít nhất từ 3 năm và đều có kinh nghiệm nhất định trong công tác quản lý vận hành công trình, các cán bộ đều này nắm được cụ thể việc khai thác sử dụng nước thực tế tại công trình, chính vì vậy các cán bộ này hoàn toàn có thể lập được đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước. Do đó, việc sửa đổi bổ sung quy định về năng lực kinh nghiệm cho cán bộ kỹ thuật là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay tại các đơn vị quản ý vận hành công trình.
Nghị định số 41/2021/NĐ-CP đã quy định theo hướng tách thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình chưa vận hành chính thức thành hai thủ tục độc lập, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước trong việc kê khai, thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ khi Nghị định số 82/2017/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, trên tổng số khoảng trên 500 công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và được phê duyệt tiền cấp quyền thì có 30 công trình thủy điện, chủ giấy phép đã đề nghị điều chỉnh do thời gian vận hành không đúng ngày đã dự kiến trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền, trong đó, có 23 công trình đã phải điều chỉnh 2 lần hoặc có khả năng điều chỉnh từ 2 lần trở lên như thủy điện Suối Chăn 1, Đa Nhim mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình 2...).
Ngoài ra, còn khoảng 50 - 60 công trình có khả năng sẽ đề nghị điều chỉnh tiền cấp quyền trong thời gian tới do thời gian vận hành khác với thời gian dự kiến đã phê duyệt trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền. Bên cạnh đó, có nhiều công trình đã được cấp phép và chuẩn bị cấp phép, thời gian dự kiến đi vào vận hành khoảng năm 2023-2024, thì việc liên tục phải điều chỉnh tiền cấp quyền do thời gian vận hành là thường xuyên xảy ra.
Vì vậy, cần thiết có quy định bổ sung một điều khoản đối với số công trình đã được phê duyệt trước đó theo Nghị định số 82/2017/NĐ mà chưa đi đi vào vận hành, trường hợp này cần quy định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền có văn bản gửi cơ quan thuế địa phương nơi có công trình khai thác tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác nước cho đến khi có Quyết định điều chỉnh thay thế sau khi công trình đi vào vận hành chính thức.
Dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Theo Báo TNMT