Tin chuyên ngành

Hội nghị giao ban công tác Quý I Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022

16:57, 14/04/2022
       Chiều ngày 14/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý I/2022 do Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành, Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị.
        Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị tại Hà Nội và các điểm cầu ở một số địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
       Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật, trong quý I/2022, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị xây dựng luật tài nguyên nước sửa đổi;Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa theo các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội;Quyết định ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) Ủy ban Pháp luật đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và Dự thảo Nghị định quy định chức chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đang hoàn thiện trình Chính phủ.
       
Đối với các VBQPPL phải trình, ban hành trong 09 tháng cuối năm 2022, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản đã chủ động thực hiện các quy trình thủ tục xây dựng VBQPPL. Đến nay, hầu hết các văn bản đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo; một số đơn vị đã xây dựng dự thảo văn bản, thực hiện đăng tải dự thảo văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ và lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương.
       Triển khai Kế hoạch thanh tra và kiểm tra năm 2022, Bộ đã thực hiện 21 cuộc kiểm tra đối với 70 tổ chức, qua kiểm tra đã xử phạt 26 tổ chức với số tiền là 8,040 triệu đồng, tước quyền sử dụng 02 Giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian 05 tháng. Trong 3 tháng đầu năm, Bộ đã tiếp 17 lượt công dân với 26 người (giảm 41 lượt so với cùng kỳ năm 2021) nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Tập trung giải quyết 19 vụ việc (từ năm 2021 chuyển sang khiếu nại Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó: có 03 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ; 15 vụ việc đã cử đoàn thẩm tra, xác minh và hoàn thiện báo cáo; 01 vụ việc chuẩn bị cử đoàn. Thành lập Đoàn công tác thẩm tra, xác minh 48/48 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ; ban hành quyết định giải quyết 03 vụ việc.
       Phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Thông báo số 16/TB- BCĐĐMSXTCBM ngày 21/01/2022. Hoàn thiện Đề án kiện toàn tổ chức bên trong Bộ.
       Về thu ngân sách: Tính đến 13/4/2022 thu ngân sách đạt 3.213/54.569 triệu đồng đạt 5,9% dự toán được giao.  Hợp tác quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới; Triển khai kế hoạch chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường. Cơ bản hoàn thành cung cấp 100% TTHC trên môi trường trực tuyến gồm 95 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ; Tập trung hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai, triển khai việc lập quy hoạch, thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển; Triển khai định hướng về địa chất và khoáng sản trong giai đoạn mới; Tập trung hoàn thành các quy hoạch về tài nguyên nước quốc gia và các lưu vực song; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển;  Tập trung triển khai đưa Luật bảo vệ môi trường vào thực tiễn cuộc sống; Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; Hoàn thiện các chủ trương, chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các giải pháp đột phá để tận dụng các cơ hội cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; Tích cực, chủ động tham gia các nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; Tập trung hiện đại hóa thông tin địa lý quốc gia Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý tài nguyên, quản lý quy hoạch….
       Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe và thảo luận, đánh giá, đề xuất tháo gỡ các khó khan, vướng mắc trong thực hiện chương trình công tác, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao trong quý I; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II năm 2021…
dfhbzdf
Toàn cảnh Hội nghị giao ban quý I/2022
       Nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình công tác năm, Chương trình hành động của Ngành thực hiện các Nghị quyết: số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong quý II năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật: Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để hoàn thiện Đề án Tổng kết Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI để trình Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 5. Tập trung sửa đổi Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước. Xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 7/2022.
       Đẩy nhanh tiến độ, triển khai các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành: Tập trung nguồn lực để triển khai Quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình công tác.
       Tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kế hoạch kiểm tra đã được Bộ chấp thuận. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng thanh tra đến đâu kết luận đến đó, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện việc giám sát thanh tra. 
       
Khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự bên trong bộ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, giảm các tổ chức trung gian. 
       Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách: Tiếp tục giao dự toán ngân sách năm 2022 (phần để lại chưa phân bổ); theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện dự toán ngân sách năm 2022 của các đơn vị thuộc Bộ. Tổng hợp, cập nhật kế hoạch tài chính - ngân sách 03 năm 2022-2024. Đề xuất phương án phân bổ vốn sự nghiệp môi trường lần 2; trình Bộ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư. 
       
Triển khai kế hoạch chuyển đổi số: Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.1); Kiến trúc tổng thể Hệ thống thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia (phiên bản 1.0); Quy định kỹ thuật về thu thập, quản lý, công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường; Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025. 
       
Lĩnh vực quản lý đất đai: Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, cần tập trung triển khai Nghị quyết số 499/2022/QH15 và Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội. 
       
Lĩnh vực tài nguyên nước: Tiếp thu ý kiến thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 và hoàn thiện Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước quốc gia,…để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Hoàn thành và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc. 
       
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập hồ sơ xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi); Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
       
Lĩnh vực biển và hải đảo: Tập trung triển khai xây dựng các quy hoạch đã được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng; triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng về kinh tế biển, ven biển và điện gió, điện sóng ngoài khơi. Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. 
       
Lĩnh vực môi trường: Triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, hạn chế xả thải ra môi trường; tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường. 
       
Lĩnh vực khí tượng thuỷ văn: Tăng cường công tác dự báo cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhất là trong mùa mưa bão. 
       
Lĩnh vực biến đổi khí hậu: Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Quyết định phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại COP26 về biến đổi khí hậu. 
       
Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và viễn thám: Hoàn thiện hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia, trình phê duyệt phương án xác định ranh giới hành chính trên biển của các địa phương, hoàn thành Dự án “Hiện đại hóa hệ thống độ cao Vương quốc Campuchia” giai đoạn II vào quý II năm 2022. 
     
Công tác đào tạo, truyền thông: Tập trung tuyên truyền, thực hiện các ấn phẩm về các thành tựu của Bộ và ngành tài nguyên và môi trường; các hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm chào mừng 20 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 – 05/8/2022). Chủ động truyền thông về tổng kết chính sách, pháp luật về đất đai, những vấn đề lớn cần hoàn thiện trong chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai thông qua hội nghị, hội thảo của chuyên gia./.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.