Theo ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thời gian qua, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục xử lý 10 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió trên biển. Trong đó, Tổng cục đã tham mưu Bộ ban hành 7 Quyết định giao khu vực biển để thực hiện dự án điện gió, với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Trong phạm vi dưới 6 hải lý, UBND các tỉnh, thành phố đã quyết định giao 22 khu vực biển thực hiện các dự án điện gió gần bờ; công suất mỗi nhà máy nhỏ hơn hoặc bằng 50 MW.
Về việc phát triển dự án điện gió, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục xử lý 35 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi phục vụ cho việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện gió trên biển. Trong đó, có 2 đề xuất đã được chấp thuận, còn lại 33 đề xuất đang được giải quyết.
Phó Tổng Cục trưởng Vũ Trường Sơn cho biết, nhu cầu đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển của các tổ chức, cá nhận hiện nay đang nhiều và rất cấp thiết. Tại Khoản 4, Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã bao hàm cả tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tiến hành hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục thực hiện.
Nội dung này sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành mọt số Điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP (Dự kiến tháng 9/2022 sẽ trình Chính phủ).
Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung, để đơn giản hóa thủ tục hành chính theo kiến nghị từ tổ chức, doanh nghiệp, Bộ TN&MT đã lấy ý kiến một số Bộ, ngành địa phương liên quan trước khi xem xét, ban hành văn bản chấp thuận đo gió, khảo sát địa chất, địa hình theo đúng quy định của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
Hiện nay, các Bộ cũng đã có văn bản phản hồi, cơ bản thống nhất với đề xuất và chỉ ra một số vướng mắc cần giải quyết. Theo đó, việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi sẽ giúp huy động nguồn lực lớn và có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhưng cũng cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh trên các vùng biển nước ta, góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế đã cho ý kiến xung quanh vấn đề đơn giản hóa các trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép; quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển; các nội dung cần đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để xây dựng các quy định chặt chẽ liên quan đến phát triển điện gió.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư phát triển điện gió. Việc giải phóng nguồn lực tài nguyên biển để khai thác, sử dụng hợp lý sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 36; góp phần thực thi cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26.
Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trước mắt phải giải quyết nhanh nhất các hồ sơ hoạt động đo gió. Nếu hồ sơ đã đầy đủ cần gửi ngay lấy ý kiến các Bộ ngành và phản hồi của tổ chức, doanh nghiệp. Thời gian không dài hơn xử lý hồ sơ giao khu vực biển. Lưu ý, phải ưu tiên vấn đề an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục làm việc với đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương để thống nhất một số nội dung về rút gọn quy trình, thủ tục, định mức khảo sát thực hiện dự án điện gió. Đồng thời, chỉ đạo Tổ biên tập khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung trước ngày 15/4 để có thể gửi lấy ý kiến các Bộ ngành; chuẩn bị cho cuộc họp với các Bộ, ngành về chủ trương thống nhất trong Chiến lược phát triển điện gió.
Theo Báo TNMT