Năm 2030, phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên
Theo báo cáo “Đánh giá Đa dạng Sinh học tại Việt Nam” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (BCA), cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái ĐDSH đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Có tới 21% các loài thú, 6,5% các loài chim,19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đang bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác…
Trước thực tế này, mới đây Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với BĐKH.
Theo đó, phải bảo tồn nghiêm ngặt, hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cải thiện.
Các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen; hạn chế các tác động tiêu cực tới ĐDSH.
Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả. Cùng với đó là ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững đất nước.
Làm cách nào để đạt được mục tiêu?
Để gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng để triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi ĐDSH. Lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến hệ sinh thái, như: Nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu cụ thể: Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42% - 43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, bên cạnh việc tập trung xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ĐDSH, bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT cũng sẽ đẩy mạnh chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại...Tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với BĐKH thông qua giải pháp dựa vào thiên nhiên, phát huy tri thức bản địa để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và ĐDSH; tăng cường quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Chính phủ cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới. Đó là, tăng cường bảo tồn, phục hồi ĐDSH; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của ĐDSH phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến ĐDSH. Cùng với đó là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang ĐDSH; củng cố và mở rộng các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái; mở rộng và củng cố mạng lưới quỹ gen…
Theo Báo TNMT